Trung tâm Thông tin du lịch

Trung tâm Thông tin du lịch - Chặng đường 26 năm xây dựng và phát triển

Cập nhật: 11/08/2021
TITC - Trung tâm Thông tin du lịch được thành lập ngày 11/8/1995 (với tên gọi lúc đó là Trung tâm Công nghệ thông tin Du lịch) trong bối cảnh đất nước đang ở giai đoạn đầu của quá trình mở cửa nền kinh tế. Sự ra đời của một đơn vị trực thuộc chuyên trách về ứng dụng công nghệ thông tin thể hiện tầm nhìn chiến lược của Tổng cục Du lịch nhằm tiếp cận và tham gia làn sóng cách mạng công nghệ trên thế giới.

Tiền thân với tên gọi ban đầu là Trung tâm Công nghệ Thông tin Du lịch, đến năm 2005 Trung tâm được đổi tên thành Trung tâm Tin học và đến năm 2008 được đổi tên thành Trung tâm Thông tin du lịch cho đến ngày nay. Trải qua các giai đoạn chuyển đổi khác nhau, đi cùng với sự phát triển của ngành du lịch, tập thể lãnh đạo, đội ngũ viên chức, người lao động trong Trung tâm luôn giữ trong mình sự năng động, đổi mới, sáng tạo để đáp ứng với yêu cầu, hoàn cảnh mới, hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao.

Một số sản phẩm CD-ROM giới thiệu du lịch Việt Nam do Trung tâm sản xuất

Ngay từ khi mới thành lập, Trung tâm đã là một trong những đơn vị đi đầu trong nghiên cứu ứng dụng công nghệ đa phương tiện (Multimedia), xây dựng hàng loạt sản phẩm công nghệ thông tin, quảng bá du lịch tạo được tiếng vang lớn. Tiêu biểu là sản phẩm CD-ROM “Việt Nam” đạt Huy chương Vàng tại Tuần lễ Tin học 1997 và năm 1998 “Nghiên cứu ứng dụng công nghệ đa phương tiện xây dựng các sản phẩm thông tin trên đĩa CD-ROM” của Trung tâm đạt giải Ba của Giải thưởng quốc gia về Sáng tạo Khoa học công nghệ (VIFOTEC).

Lễ khai trương website đầu tiên của ngành du lịch năm 1997

Đặc biệt, Trung tâm đã góp phần đặt những viên gạch đầu tiên cho ngành Du lịch trong việc tiên phong đón đầu xu thế ứng dụng mạng Internet ở Việt Nam. Ngày 16/12/1997 Tổng cục Du lịch đã tổ chức lễ khai trương website www.vietnamtourism.com do Trung tâm nghiên cứu xây dựng. Đây là website đầu tiên của ngành du lịch và là một trong những website đầu tiên của nước ta hòa mạng Internet toàn cầu, với nhiệm vụ quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam tới du khách trong nước và quốc tế bằng nhiều ngôn ngữ. Đến năm 2004, Trung tâm cho ra đời website www.vietnamtourism.gov.vn, đây là trang thông tin điện tử chính thức của Tổng cục Du lịch phục vụ công tác quản lý nhà nước; sau đó là các website phục vụ công tác quản lý và quảng bá du lịch.

Lễ công bố phiên bản mới trang thông tin điện tử Tổng cục Du lịch vietnamtourism.gov.vn năm 2014

Bên cạnh đó, Trung tâm đã biên tập, xuất bản các ấn phẩm hướng dẫn du lịch Việt Nam bằng nhiều ngôn ngữ (Việt - Anh - Pháp) để phục vụ cho khách du lịch và làm tài liệu tham khảo cho đội ngũ giảng viên, sinh viên khoa du lịch của các trường đại học, cao đẳng trên toàn quốc. Trung tâm còn xây dựng các Báo cáo thường niên Du lịch Việt Nam, Báo cáo phân tích thị trường khách quốc tế đến Việt Nam, Báo cáo phân tích chỉ số năng lực cạnh tranh Du lịch Việt Nam, Báo cáo phân tích nhu cầu tìm kiếm thông tin số... phục vụ công tác chỉ đạo điều hành của lãnh đạo.

Nhằm đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực du lịch, Trung tâm đã nghiên cứu, sản xuất các loại bản đồ du lịch gắn với công nghệ hệ thống thông tin địa lý (GIS). Đồng thời xây dựng các cơ sở dữ liệu về doanh nghiệp lữ hành, hướng dẫn viên du lịch, cơ sở lưu trú du lịch, khoa học công nghệ, thống kê du lịch... Ngoài ra, Trung tâm cũng thường xuyên hỗ trợ tập huấn cho cán bộ, nhân viên ngành du lịch các địa phương, doanh nghiệp về ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực du lịch.

Một số ấn phẩm bản đồ du lịch Việt Nam do Trung tâm xây dựng

Phù hợp với chức năng, nhiệm vụ được giao, từ năm 2009, Trung tâm đã nghiên cứu xây dựng và triển khai đề án “Áp dụng Tài khoản vệ tinh du lịch tại Việt Nam”, đặt nền móng cho việc xây dựng hệ thống thống kê du lịch theo tiêu chuẩn quốc tế. Từ cơ sở đó, Trung tâm tiếp tục được giao chủ trì triển khai đề án “Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thống kê du lịch, triển khai áp dụng mô hình tài khoản vệ tinh du lịch lộ trình 2013 - 2015, định hướng đến 2020”. Kết quả triển khai đề án đã giúp hình thành hệ thống thông tin thống kê du lịch khoa học, góp phần quan trọng phục vụ công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành và hoạch định chính sách trong ngành.

Với sự phối hợp và thẩm định của Tổng cục Thống kê, Trung tâm đã tiến hành các cuộc điều tra, khảo sát thông tin khách du lịch quốc tế đến, khách du lịch nội địa, khách Việt Nam đi du lịch nước ngoài để thu thập, tổng hợp số liệu phân tích đặc điểm, chi tiêu của khách, làm cơ sở suy rộng tính toán tổng thu từ khách du lịch và đóng góp của du lịch  đối với nền kinh tế.

Hội thảo tăng cường công tác thống kê du lịch ở Việt Nam, năm 2018

Nghị quyết 103/NQ-CP ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn đã nêu rõ nhiệm vụ “Bổ sung, hoàn thiện công tác thống kê du lịch để xác định rõ vị trí ngành du lịch trong tổng thể phát triển của nền kinh tế quốc dân và của các địa phương có tiềm năng, lợi thế phát triển du lịch”. Trong thời gian tới, công tác thống kê du lịch cần tiếp tục được quan tâm thúc đẩy, góp phần phục vụ hiệu quả công tác hoạch định chính sách, chỉ đạo điều hành phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Trong bối cảnh Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang diễn ra mạnh mẽ, tác động đến hầu hết các ngành, lĩnh vực, Trung tâm đã tham mưu Lãnh đạo Tổng cục Du lịch, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tổng thể ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực du lịch giai đoạn 2018 - 2020, định hướng đến năm 2025 và các chương trình, kế hoạch thực hiện chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước về chủ động tiếp cận, tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Sản phẩm Thẻ du lịch được giới thiệu tại Lễ ký thỏa thuận hợp tác ứng dụng công nghệ tiên tiến và thương mại điện tử hỗ trợ phát triển du lịch giữa Tổng cục Du lịch và Cục Thương mại Điện tử và kinh tế số (năm 2019)

Trên cơ sở đó, Trung tâm đã tiếp tục phát triển nhiều sản phẩm hỗ trợ các cơ quan quản lý, doanh nghiệp và khách du lịch như cơ sở dữ liệu du lịch Việt Nam; ứng dụng phân tích, tổng hợp thông tin hỗ trợ điều hành du lịch; ứng dụng hỗ trợ khách du lịch, ứng dụng hỗ trợ doanh nghiệp, hướng dẫn viên du lịch; phần mềm thống kê du lịch trực tuyến; tích hợp nội dung du lịch vào chương trình “Một thẻ quốc gia”, ra mắt “Thẻ du lịch thông minh”, xây dựng Trang vàng du lịch Việt Nam, chương trình Vé điện tử...

Đặc biệt, từ khi dịch Covid-19 bùng phát từ đầu năm 2020, công tác chuyển đổi số càng được Trung tâm chú trọng đẩy mạnh. Trong bối cảnh ngành du lịch quyết liệt ứng phó với dịch bệnh, Trung tâm đã chủ động xây dựng và cho ra mắt “Ứng dụng Du lịch Việt Nam an toàn” vào ngày 10/10/2020. Với ứng dụng này, du khách có thể tìm kiếm thông tin về các điểm đến an toàn, đồng thời tương tác với đơn vị cung ứng dịch vụ, đưa ra đánh giá, phản hồi, giúp cơ quan chức năng tiếp nhận và xử lý kịp thời, góp phần bảo đảm an toàn và nâng cao trải nghiệm cho du khách.

Ứng dụng Du lịch Việt Nam an toàn do Trung tâm xây dựng, ra mắt tháng 10/2020

Hiện nay, ứng dụng Du lịch Việt Nam an toàn đang được tập trung nâng cấp một cách toàn diện và sẽ ra mắt phiên bản mới trong thời gian ngắn sắp tới với rất nhiều sự đổi mới về thiết kế giao diện, tính năng, tiện ích, mang lại thuận tiện nhất cho người dùng.

Trung tâm cũng đã xây dựng hệ thống đăng ký và khai báo an toàn Covid-19 đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch thông qua website https://safe.tourism.com.vn theo chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ VHTTDL, Tổng cục Du lịch. Hệ thống này kết nối thông tin du lịch an toàn từ địa phương đến cơ quan quản lý ở Trung ương, từ đó góp phần kiểm soát và phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trong lĩnh vực du lịch.

Hệ thống đăng ký và khai báo an toàn Covid-19 do Trung tâm xây dựng 

Hệ thống chứng nhận số tiêm chủng vắc xin Covid-19 do Trung tâm xây dựng

Gần đây, thực hiện chủ trương thí điểm hộ chiếu vắc-xin đối với khách quốc tế đến một số trung tâm du lịch có thể kiểm soát được dịch bệnh, như Phú Quốc, Kiên Giang, Trung tâm Thông tin du lịch đã chủ động nghiên cứu, xây dựng hệ thống chứng nhận số tiêm chủng vắc-xin (https://travelpass.tourism.vn) để phục vụ đón khách du lịch khi hoạt động du lịch quốc tế được mở lại.

Công tác truyền thông trên các nền tảng số cũng ngày càng được đẩy mạnh, đa dạng hóa các kênh truyền thông trên website, mạng xã hội, ứng dụng thông minh. Sự ra đời của chương trình truyền thông du lịch Việt Nam trên YouTube với chủ đề “Việt Nam: Đi Để Yêu!” đánh dấu một cách làm mới trong lĩnh vực truyền thông du lịch, có sự phối hợp tham gia của nhiều nhà sáng tạo nội dung nổi tiếng, đã mang lại những hiệu ứng tích cực, thu hút sự quan tâm của cộng đồng.

Lãnh đạo Tổng cục Du lịch đến thăm và chúc mừng Trung tâm Thông tin du lịch nhân Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam 21/6/2021

Nghị quyết 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đã nêu rõ chủ trương, chính sách tập trung phát triển các ngành ưu tiên có mức độ sẵn sàng cao, trong đó có du lịch số. Trong bối cảnh đó, với chức năng nhiệm vụ của mình, Trung tâm Thông tin du lịch sẽ tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu, xây dựng các chương trình, đề án phát triển du lịch số, ứng dụng công nghệ 4.0 để phục vụ phát triển du lịch trong tình hình mới.

Sự phát triển của Trung tâm Thông tin du lịch trong chặng đường 26 năm qua là nhờ có sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát của Lãnh đạo Tổng cục Du lịch, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan, đơn vị và đặc biệt là những nỗ lực không ngừng của các thế hệ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động Trung tâm. Trong thời gian tới, tập thể Trung tâm Thông tin du lịch quyết tâm tiếp tục giữ vững sự đoàn kết, thống nhất, phát huy sự sáng tạo, đổi mới, quyết liệt hành động, cống hiến đóng góp vào sự phát triển chung của ngành du lịch./.

Trung tâm Thông tin du lịch