Trung tâm Thông tin du lịch

Lạng Sơn: Ứng dụng công nghệ thông tin góp phần đưa di sản văn hóa đến với công chúng

Cập nhật: 28/11/2022
Ứng dụng công nghệ thông tin, số hóa tư liệu và từng bước thực hiện chuyển đổi số trong bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa là giải pháp hiệu quả mà ngành văn hóa, thể thao và du lịch (VHTTDL) tỉnh Lạng Sơn đã và đang thực hiện thời gian qua. Những kết quả tích cực của giải pháp này mang lại đã giúp việc lưu trữ dữ liệu, quảng bá hình ảnh di sản văn hóa Xứ Lạng một cách hiệu quả trong việc đưa di sản đến với công chúng.

 


Đại biểu trải nghiệm kính thực tế ảo hình ảnh về DSVH Lạng Sơn tại “Hội nghị giới thiệu giải pháp công nghệ chuyển đổi số trong lĩnh vực DSVH và du lịch tỉnh Lạng Sơn”

Đầu tháng 10/2022, trong chuyến du lịch đến Lạng Sơn, anh Nguyễn Thành Nam, du khách đến từ Đà Nẵng đã rất thích thú với hình thức thuyết minh tự động theo công nghệ 360 độ về điểm du lịch chùa Tam Thanh, thành phố Lạng Sơn. Anh Nam chia sẻ: Bằng việc ứng dụng các công nghệ hiện đại về di tích lịch sử văn hóa của tỉnh ngay trên facebook đã giúp tôi có cái nhìn toàn cảnh 360 độ về chùa Tam Thanh một cách dễ dàng mà không cần hướng dẫn viên du lịch. Hơn nữa, hình thức này cũng giúp người xem thực sự đắm mình trong không gian của di sản thay vì chỉ xem những bức ảnh tĩnh trên mạng như trước đây.

Cảm nhận của anh Nam cũng là cảm nhận của nhiều du khách khi được trải nghiệm ứng dụng thuyết minh tự động theo công nghệ 360. Được biết, đây chỉ là một trong những hoạt động mà ngành VHTTDL tỉnh đã triển khai nhằm đưa di sản đến gần hơn với công chúng. Theo thông tin từ Sở VHTTDL, từ năm 2011 đến nay, ngành VHTTDL đã tích cực ứng dụng công nghệ thông tin để bảo tồn, phát huy giá trị di sản bằng nhiều biện pháp cụ thể như: ứng dụng các thành tựu khoa học – kỹ thuật trong việc tư liệu hóa, lưu giữ, bảo quản, phục vụ công tác kiểm kê, lập hồ sơ khoa học trình xếp hạng di tích các cấp; nâng cấp website, cập nhật các giao diện mới hiện đại và mang tính chuyên nghiệp; quảng bá hình ảnh du lịch Lạng Sơn trên các nền tảng mạng xã hội như: facebook, youtube, zalo, tiktok… Năm 2011, Sở VHTTDL đã thành lập Trung tâm Ngân hàng dữ liệu di sản văn hóa phi vật thể, hiện trung tâm đang lưu trữ  khoảng 60 phim và gần 5.000 ảnh tư liệu về văn hóa phi vật thể trên địa bàn.

Ông Nguyễn Phúc Hà, Giám đốc Sở VHTTDL Lạng Sơn cho biết: Xác định chuyển đổi số là xu hướng phát triển mở ra nhiều cơ hội trong lĩnh vực văn hóa, du lịch. Thời gian qua, sở đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, số hóa trên tất cả các lĩnh vực quản lý của ngành. Trong đó, chúng tôi đã và đang tích cực thực hiện một số nội dung  như: số hóa các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể, bảo tàng và di sản tư liệu của các dân tộc; số hóa hồ sơ, tư liệu, bảo vật quốc gia, hiện vật quý của các bảo tàng và di tích, di tích quốc gia đặc biệt, di tích quốc gia có giá trị tiêu biểu, di sản văn hóa phi vật thể trong danh mục kiểm kê di sản…

Phòng văn hóa – thông tin các huyện, thành phố và các đơn vị trực thuộc đã tích cực, chủ động triển khai, ứng dụng công nghệ số vào thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao. Điển hình như: Bảo tàng tỉnh lưu giữ, quản lý trên 75.000 tài liệu, hiện vật các loại, gần 6.500 ảnh tư liệu, 900 tư liệu cùng nhiều tài liệu sách báo khác nhau. Trong đó, có 12.780 tài liệu, hiện vật gốc đã qua kiểm kê khoa học, trên 90% tài liệu hiện vật đã được đưa vào hệ thống quản lý bằng phần mềm “Quản lý thông tin hiện vật” trên không gian mạng; hơn 200 hiện vật được đăng tải giới thiệu trên trang web của bảo tàng tại mục “Thư viện hiện vật”.

Thành phố Lạng Sơn là địa bàn tích cực trong công tác ứng dụng công nghệ thông tin, đẩy mạnh số hóa trong bảo tồn phát huy giá trị di sản văn hóa. Bà Phạm Thị Thuận, Phó Trưởng Phòng Văn hóa – Thông tin thành phố cho biết: Thành phố là địa bàn đông dân cư với đa dạng thành phần dân tộc, phong phú về DSVH thể hiện cả ở DSVH vật thể và phi vật thể với 7 lễ hội truyền thống, trong đó Lễ hội Kỳ Cùng – Tả Phủ được công nhận là DSVH phi vật thể quốc gia. Về DSVH vật thể, thành phố hiện có 28 di tích, trong đó có 13 di tích cấp quốc gia, 7 di tích cấp tỉnh. Thời gian qua, chúng tôi đã tham mưu UBND thành phố thực hiện các giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin trong phát triển du lịch như hằng năm, xây dựng trên 50 tin, bài, ảnh, clip quảng bá hình ảnh về DSVH Lạng Sơn trên các nền tảng mạng xã hội facebook, youtube, zalo; phối hợp với ngành chức năng thực hiện số hóa di tích chùa Tam Thanh…

Đặc biệt, đầu tháng 11/2022, Sở VHTTDL phối hợp với Công ty Cổ phần Vietsoftpro tổ chức hội nghị giới thiệu giải pháp công nghệ chuyển đổi số trong lĩnh vực DSVH và du lịch tỉnh Lạng Sơn. Thông qua hội nghị, ngành VHTTDL tỉnh đã có thêm nhiều kiến thức, kinh nghiệm quý báu để tham mưu UBND tỉnh có những định hướng trong thực hiện chuyển đổi số lĩnh vực DSVH và du lịch.

Bà Trần Thị Bích Hạnh, Giám đốc Trung tâm Thông tin Xúc tiến du lịch tỉnh cho biết: Trên thế giới, công nghệ thực tế ảo đã được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực bảo tồn di tích, đặc biệt trong việc tái hiện, phục dựng các di tích, thắng cảnh đến nay không còn xa lạ nữa. Thực hiện sự chỉ đạo của Sở VHTTDL,Trung tâm Thông tin Xúc tiến du lịch đã xây dựng cơ sở dữ liệu chung tích hợp vào cổng du lịch thông minh của tỉnh, nâng cấp website, cập nhật các giao diện mới hiện đại và mang tính chuyên nghiệp; triển khai số hóa các điểm di tích bằng công nghệ giao diện 360 độ mang đến những hình ảnh, thông tin đặc sắc, chọn lọc về các điểm du lịch… Trong năm 2022, chúng tôi cũng đã xây dựng xong điểm du lịch chùa Tam Thanh bằng hình thức thuyết minh tự động theo công nghệ 360 độ, phấn đấu trong năm 2023, sẽ có 9 điểm thuộc đề án du lịch thông minh của tỉnh được triển khai.

Như vậy, ứng dụng công nghệ thông tin, từng bước chuyển đổi số là công cụ hữu hiệu nhất để duy trì, gìn giữ, phát huy và nâng tầm các giá trị di sản, văn hóa truyền thống, góp phần vào sự phát triển văn hoá – du lịch của tỉnh trong tương lai, thúc đẩy hơn nữa việc ứng dụng công nghệ mới, từng bước thay đổi để làm cho khách tham quan có những trải nghiệm thú vị và nhiều cảm xúc hơn trong mỗi dịp đặt chân tới mảnh đất Lạng Sơn.

“Lạng Sơn hiện nay đang lưu giữ một kho tàng DSVH đa dạng cả về văn hóa vật thể và phi vật thể. Trong đó, có 335 di tích nằm trong danh mục kiểm kê của tỉnh; 7 DSVH phi vật thể cấp quốc gia, 1 bảo vật quốc gia. Việc ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện chuyển đổi số là công cụ hữu hiệu để duy trì, gìn giữ, phát huy và nâng tầm các giá trị di sản, văn hóa truyền thống. Đây là những lợi thế lớn trong phát triển du lịch của địa phương, có thể tạo nên sự khác biệt với những sản phẩm du lịch đặc thù, có khả năng cạnh tranh và tạo thương hiệu cho du lịch tỉnh.

Thời gian qua, nhận thức của các cấp, ngành trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn về số hóa, ứng dụng công nghệ thông tin trong bảo tồn, phát huy giá trị di sản đã được nâng cao. Việc bảo vệ, phát huy giá trị di sản đã đạt nhiều kết quả tích cực, tỉnh bước đầu đã triển khai thực hiện các giải pháp ứng dụng công nghệ số hóa tại bảo tàng cũng như ứng dụng công nghệ du lịch thông minh trong việc quản lý, khai thác, quảng bá và phát huy giá trị di sản…

Tuy vậy, việc chuyển đổi số trong lĩnh vực văn hóa, di sản vẫn còn nhiều thách thức. Để khai thác tốt các giá trị đó, theo chúng tôi, tỉnh cần tiếp tục thực hiện một số giải pháp như: khảo sát, thống kê tiềm năng DSVH vật thể và phi vật thể trên địa bàn một cách tỉ mỉ với nhiều phương pháp khác nhau từ bản đồ, số hóa các dữ liệu đến sưu tầm, ghi chép tất cả các di sản theo quy định. Cùng với đó, chủ trương sưu tầm, bảo vệ những di sản đang còn tồn tại và nắm bắt những cái đã mất để có phương hướng phục hồi khi có điều kiện; tiếp tục xây dựng kho dữ liệu về di sản thường xuyên, liên tục và bền vững; cũng như liên kết dữ liệu để cùng khai thác đáp ứng được nhu cầu phát triển; kết nối, phối hợp với các cơ quan trung ương có liên quan, đặc biệt là các tổ chức, doanh nghiệp du lịch và các tập đoàn kinh tế có thế mạnh trong lĩnh vực này và tăng cường công tác đào đạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực.”

GS.TS Lê Hồng Lý, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam

Ngọc Hiếu - Tuyết Mai

Báo Lạng Sơn điện tử - baolangson.vn