Trung tâm Thông tin du lịch

Thúc đẩy chuyển đổi số để phát triển du lịch làng nghề Hà Nội

Cập nhật: 28/11/2022
Hà Nội đang xây dựng "Thành phố sáng tạo" với nền tảng là các ngành công nghiệp sáng tạo. Trong đó, phát triển ngành thủ công mỹ nghệ, làng nghề truyền thống không thể thiếu giải pháp đặc biệt quan trọng là chuyển đổi số để phát triển du lịch làng nghề.

 

Một số sản phẩm làng nghề truyền thống Hà Nội được trưng bày giới thiệu tại không gian đi bộ hồ Hoàn Kiếm trong khuôn khổ Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội năm 2022. Ảnh: VGP/MInh Anh

Làng nghề Hà Nội - nguồn tài nguyên du lịch văn hóa đặc sắc

Thủ đô Hà Nội với lịch sử ngàn năm văn hiến, được mệnh danh là "mảnh đất trăm nghề", với trên 1.350 làng nghề và làng có nghề (chiếm gần 30% tổng số làng nghề và làng có nghề của cả nước), trong đó có tới gần 300 làng nghề truyền thống thuộc 23 quận, huyện, thị xã, trong đó có hơn 60% là làng nghề thủ công mỹ nghệ. Nhiều làng nghề có lịch sử lâu đời nhất nước.

Du khách trải nghiệm ứng dụng du lịch thông minh tại Trung tâm Thông tin du lịch làng nghề Bát Tràng (Hà Nội). Ảnh: VGP/MInh Anh

Theo Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư Thương mại và Du lịch TP. Hà Nội Nguyễn Thị Mai Anh, trải qua bao biến cố thăng trầm của lịch sử, làng nghề đã thực sự trở thành một nét đẹp văn hóa đặc trưng của Thăng Long - Hà Nội. Làng nghề truyền thống không chỉ góp phần phát triển kinh tế, tạo việc làm và thu nhập cho người dân địa phương mà còn là nơi bảo tồn, phát huy những tinh hoa nghệ thuật và kỹ thuật truyền thống từ đời này sang đời khác qua bàn tay tài hoa, tâm huyết và trí tuệ của lớp lớp nghệ nhân, góp phần quan trọng trong việc bảo tồn các giá trị văn hóa đặc sắc của dân tộc.

Hiện nay, các sản phẩm thủ công mỹ nghệ truyền thống của Hà Nội rất đa dạng, phong phú về chủng loại, mẫu mã, đặc biệt có những sản phẩm mang tính riêng biệt đặc thù mà chỉ ở Hà Nội mới có như sản phẩm gốm sứ Bát Tràng, dát vàng bạc quỳ Kiêu Kỵ (huyện Gia Lâm); gỗ mỹ nghệ Sơn Đồng (Hoài Đức); lụa Vạn Phúc (Hà Đông), đúc đồng Ngũ Xã (Ba Đình); tò he Xuân La (Phú Xuyên); sừng Thụy Ứng (Thường Tín)… Các sản phẩm đã có mặt ở nhiều nơi và được các nước, các tổ chức, cá nhân đánh giá cao về chất lượng, kỹ thuật và mỹ thuật.

Bên cạnh đó, các tầng lớp nghệ nhân, thợ thủ công của Hà Nội đã được rèn giũa tay nghề từ đời này sang đời khác và có công giữ gìn những công nghệ truyền thống, cải tiến mẫu mã mà không làm mất đi phong cách truyền thống, đảm bảo về giá trị thẩm mỹ, về chất lượng và duy trì các yếu tố văn hóa của sản phẩm là đảm bảo phát triển bền vững của ngành nghề, làng nghề.

"Chính vì vậy, các làng nghề truyền thống thực sự là nguồn tài nguyên du lịch văn hóa đặc sắc, là thế mạnh để phát triển loại hình du lịch làng nghề. Đặc biệt, sau khi Hà Nội chính thức trở thành thành viên mạng lưới các Thành phố sáng tạo của UNESCO, thì làng nghề Việt Nam càng trở thành một phần không thể thiếu trong việc nâng cao giá trị thẩm mỹ, giá trị kinh tế góp phần đưa Hà Nội trở thành trung tâm hội tụ thiết kế và đổi mới ở khu vực - kinh đô sáng tạo của Đông Nam Á", bà Mai Anh nhấn mạnh. 

Ở góc độ cơ quan quản lý nhà nước, đại diện lãnh đạo Sở Du lịch Hà Nội nhìn nhận, những năm gần đây, các làng nghề thủ công truyền thống Hà Nội đã thu hút một số lượng lớn khách du lịch đến tham quan như làng dệt lụa Vạn Phúc, gốm sứ Bát Tràng, sơn mài Hạ Chái, nón Chuông,… Du khách đến với làng nghề Hà Nội không chỉ bởi các sản phẩm thủ công mỹ nghệ đa dạng, phong phú về chủng loại mẫu mã, mang đậm tính dân tộc mà còn bởi đến với làng nghề, du khách có cơ hội được tham quan nơi sản xuất, trực tiếp xúc với thợ thủ công, thậm chí còn được trực tiếp tham gia làm thử một vài công đoạn sản xuất các sản phẩm...

Tuy nhiên, đại diện Sở Du lịch cho rằng, để phát huy tiềm năng vốn có của các làng nghề, đưa các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, lưu niệm của làng nghề đến gần với khách du lịch hơn, bên cạnh các giải pháp về chính sách, cơ sở vật chất, chất lượng dịch vụ thì việc thực hiện chuyển đối số trong lĩnh vực văn hóa - du lịch, trong đó có làng nghề và du lịch làng nghề cũng cần được xúc tiến, tạo đà phát triển ngành thủ công mỹ nghệ, làng nghề truyền thống Hà Nội trở thành ngành "Công nghiệp sáng tạo" mũi nhọn của Thủ đô trong tiến trình tham gia vào Mạng lưới các Thành phố Sáng tạo của UNESCO.

Chuyển đổi số gia tăng giá trị sản phẩm du lịch làng nghề

Ông Lê Bá Ngọc, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam chia sẻ về những giải pháp chuyển đổi số, thiết kế sáng tạo để gia tăng giá trị sản phẩm làng nghề. Ảnh: VGP/Minh Anh

Theo ông Lê Bá Ngọc, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam, tiềm năng du lịch của các làng nghề ở Hà Nội là vô cùng lớn. Tuy nhiên, những năm vừa qua, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 nên hoạt động du lịch hoàn toàn bị đình trệ. Thực tế cho thấy, tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19 khiến nhiều nền tảng quản lý và kinh doanh truyền thống trong lĩnh vực du lịch gặp khó khăn song đây lại là động lực giúp đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số.

Các doanh nghiệp du lịch đã có những bước đi mạnh mẽ với những dịch vụ điển hình có thể kể đến là đặt tour trực tuyến; mua vé tham quan, thanh toán dịch vụ từ xa; hệ thống thuyết minh tự động, khám phá di sản bằng công nghệ 3D; ra mắt trang web tra cứu thông tin điểm đến; xây dựng kho dữ liệu về du lịch...

Còn ở khía cạnh phát triển du lịch làng nghề, nhận thức được vai trò của chuyển đổi số để tích ứng với mọi hoàn cảnh, mọi lúc mọi nơi sẽ đem lại cho làng nghề, doanh nghiệp du lịch nhiều trải nghiệm, kinh nghiệm như: quảng bá được hình ảnh đến với nhiều khách hàng hơn với chi phí tiết kiệm nhất; quảng bá được hình ảnh sản phẩm một cách sống động nhất; quản lý mô hình du lịch làng nghề được "Đơn cử như thông qua chuyển đổi số khách du lịch của thể biết sản phẩm gốm xứ này có phải có xuất sứ từ làng nghề Bát Tràng hay không?", ông Ngọc chia sẻ.

Cũng theo Phó chủ tịch Hiệp hội xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam, mục đích của chuyển đổi số trong ngành Du lịch là phải giữ được quan hệ với khách hàng, tạo sức hấp dẫn thu hút thêm khách hàng mới thông qua những nền tảng trực tuyến như ứng dụng Zalo, Facebook, Google, hệ thống quản trị khách hàng, thông tin dữ liệu về điểm đến du lịch an toàn...

Chính vì vậy, để tận dụng và làm tốt được việc này, các doanh nghiệp du lịch cần số hóa hệ thống thông tin về du khách, về sản phẩm và dịch vụ làng nghề; tính toán chi phí, điều hành dựa trên cơ sở phân tích các dữ liệu một cách khoa học để đáp ứng nhu cầu của du khách cả về chất lượng dịch vụ cũng như giá thành sản phẩm.

Bước tiếp theo là phải sử dụng tối ưu nền tảng dữ liệu số hóa thông qua một cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin hoàn thiện. Các trang mạng, ngoài thể hiện tính chuyên nghiệp cao nhất với thiết kế bảo đảm thẩm mỹ, nội dung phong phú, tích hợp nhiều tiện ích cần thiết cho du khách thì còn cần phải tương thích, thân thiện trên tất cả các thiết bị điện tử mà khách hàng quen dùng khi truy cập thông tin, từ máy tính, máy tính bảng cho đến điện thoại di động.

Để việc ứng dụng công nghệ vào hoạt động du lịch đạt hiệu quả hơn, theo Phó Giám đốc phụ trách Sở Du lịch Hà Nội Trần Trung Hiếu, các đơn vị cần có sự liên kết, chia sẻ công nghệ, đầu tư đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật. Sở Du lịch Hà Nội sẽ hoàn thiện bản đồ du lịch Hà Nội dưới dạng số hóa, nhằm giúp các đơn vị kinh doanh du lịch và du khách dễ dàng tra cứu điểm đến. Thành phố cũng chủ trương đẩy mạnh thương mại điện tử trong lĩnh vực này hướng tới mục tiêu đến năm 2030, du lịch thật sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Ngày 07/7/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 801/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình bảo tồn và phát triển làng nghề Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030. Theo đó, về quan điểm, việc bảo tồn và phát triển làng nghề có vai trò quan trọng trong thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, lao động nông thôn, tạo việc làm và nâng cao chất lượng đời sống của người dân... Một trong những giải pháp quan trọng để phát triển du lịch làng nghề được Quyết định của Thủ tướng Chính phủ đưa ra là tăng cường nghiên cứu, kết hợp, chuyển giao, ứng dụng công nghệ và công nghệ số, chuyển đổi số để nâng cao năng lực sản xuất kinh doanh, xúc tiến thương mại và phát triển du lịch làng nghề.

Minh Anh

Cổng TTĐT Chính Phủ /Trang Thủ Đô Hà Nội - thanglong.chinhphu.vn