Trung tâm Thông tin du lịch

Hội nghị giới thiệu Thẻ Du lịch Quốc gia đến các doanh nghiệp lữ hành, hướng dẫn viên

Cập nhật: 09/05/2023
(TITC) - Sáng ngày 5/5, Hội Hướng dẫn viên du lịch Việt Nam (VTGA) phối hợp với Trung tâm Thông tin du lịch (Tổng cục Du lịch) và Hội Du lịch cộng đồng Việt Nam (VCTC) tổ chức Hội nghị giới thiệu “Thẻ Du lịch Quốc gia” thuộc Chương trình Thẻ Việt - Một thẻ Quốc gia.

Các đại biểu tham dự Hội nghị. Ảnh: TITC

Tham dự Hội nghị có ông Bùi Văn Dũng - Phó Chủ tịch thường trực Hội Hướng dẫn viên du lịch Việt Nam; bà Lê Hòa - Phó Chủ tịch Hội Du lịch cộng đồng Việt Nam; ông Hoàng Quốc Hòa - Phó Giám đốc điều hành Trung tâm Thông tin du lịch (Tổng cục Du lịch); cùng đại diện các công ty lữ hành, hướng dẫn viên, cơ quan thông tấn báo chí…

Hội nghị được tổ chức nhằm chia sẻ tới các công ty lữ hành và cộng đồng hướng dẫn viên về những tiện ích mới được ứng dụng trong chuyển đổi số ngành du lịch, từ đó mở ra những cơ hội mới trong vận hành và kinh doanh du lịch tại Việt Nam.

Phó Chủ tịch thường trực Hội Hướng dẫn viên du lịch Việt Nam Bùi Văn Dũng phát biểu khai mạc. Ảnh: TITC

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Phó Chủ tịch thường trực Hội Hướng dẫn viên du lịch Việt Nam Bùi Văn Dũng nhận định, chuyển đổi số đang ngày càng trở thành xu hướng tất yếu đối với ngành du lịch. Đặc biệt, sau đại dịch Covid-19, hành vi của người tiêu dùng đã có nhiều thay đổi, dần chuyển sang sử dụng các sản phẩm công nghệ, nền tảng số hỗ trợ hoạt động du lịch. Đặc biệt, Thẻ Du lịch Quốc gia là sản phẩm chiến lược trong hệ sinh thái du lịch thông minh, mang đến những tiện ích hàng đầu cho du khách. Thẻ Du lịch Quốc gia là sản phẩm do Trung tâm Thông tin du lịch (Tổng cục Du lịch) phối hợp với các đơn vị có liên quan phát triển, nằm trong chương trình Thẻ Việt - Một thẻ Quốc gia do Bộ Công Thương chủ trì. Thẻ được phát hành theo 2 hình thức là thẻ vật lý và thẻ phi vật lý, tích hợp nhiều tính năng trong các lĩnh vực du lịch, giáo dục, giao thông, y tế để tạo thuận lợi nhất cho người dùng.

Với sản phẩm cốt lõi là Thẻ Du lịch Quốc gia, tích hợp thêm các tính năng, tiện ích, ứng dụng hiện hành xung quanh thẻ mang đến một hệ sinh thái số với các sản phẩm ưu việt hàng đầu. Thẻ Du lịch Quốc gia cùng các nền tảng công nghệ số hỗ trợ gia tăng trải nghiệm du lịch cần được lan tỏa rộng rãi và được ứng dụng đồng bộ trong ngành du lịch nhằm thúc đẩy mạnh mẽ công tác chuyển đổi số trong hoạt động du lịch, giúp toàn ngành phát triển theo hướng linh hoạt và bền vững.  

Phó Giám đốc điều hành Trung tâm Thông tin du lịch (Tổng cục Du lịch) Hoàng Quốc Hòa giới thiệu về Thẻ Du lịch Quốc gia và các nền tảng số cốt lõi của Tổng cục Du lịch. Ảnh: TITC

Tại Hội nghị, Phó Giám đốc điều hành Trung tâm Thông tin du lịch (Tổng cục Du lịch) Hoàng Quốc Hòa cho biết, chuyển đổi số là một chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước. Đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh, năm 2023 là "Năm Dữ liệu số, tạo lập và khai thác dữ liệu để tạo ra giá trị mới" với nhiệm vụ trọng tâm là số hóa, xây dựng, kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các bộ, ngành, địa phương. Đối với ngành du lịch, chuyển đổi số được coi là một giải pháp đột phá nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ phục hồi và phát triển du lịch theo hướng linh hoạt và bền vững hơn trong thời kỳ mới.

Để tránh tình trạng "trăm hoa đua nở", thiếu liên kết, thực hiện chỉ đạo của Lãnh đạo Tổng cục Du lịch, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Trung tâm Thông tin du lịch đã triển khai các giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số trong ngành du lịch, hình thành một hệ sinh thái du lịch thông minh thống nhất và đồng bộ trên toàn quốc.

Hệ sinh thái chuyển đổi số được hình thành trên cơ sở các nền tảng số cốt lõi ở tầm quốc gia của Tổng cục Du lịch, gồm có: (i) Hệ thống Cơ sở dữ liệu Du lịch Việt Nam tổng hợp các cơ sở dữ liệu quan trọng của ngành du lịch nhằm phục vụ hiệu quả công tác quản lý nhà nước, xúc tiến quảng bá và kinh doanh du lịch. (ii) Thẻ Du lịch Quốc gia - sản phẩm chiến lược trong hệ sinh thái du lịch thông minh được áp dụng công nghệ hiện đại, bảo mật, hỗ trợ du khách thực hiện các giao dịch, thanh toán nhanh chóng và tiện lợi; đồng thời kết nối liên thông với các tiện ích ở nhiều lĩnh vực liên quan khác như: y tế, giáo dục, giao thông, thương mại điện tử và tiện ích khu dân cư. (iii) Ứng dụng Du lịch Quốc gia "Du lịch Việt Nam - Vietnam Travel" hỗ trợ toàn diện cho khách du lịch trong nước và quốc tế với các tiện ích như: tìm kiếm thông tin du lịch, tra cứu doanh nghiệp lữ hành, cơ sở lưu trú, hướng dẫn viên, đặt phòng, đặt vé, thanh toán điện tử, quản lý tour du lịch, phản ánh tới cơ quan chức năng… Hiện nay, Thẻ Du lịch Quốc gia cũng đã được tích hợp đồng bộ trên Ứng dụng Du lịch Quốc gia “Du lịch Việt Nam - Vietnam Travel”. Giải pháp này là bước đột phá, tạo nên một công cụ số mạnh mẽ không chỉ hỗ trợ du khách sử dụng các tiện tích đa dạng trong hoạt động du lịch mà còn giúp kết nối với các dịch vụ có liên quan khác. (iv) Nền tảng "Quản trị và Kinh doanh du lịch" được xác định là 1 trong 35 nền tảng số quốc gia cần ưu tiên phát triển; là môi trường số kết nối các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch, lữ hành, hướng dẫn viên du lịch và các cơ quan quản lý du lịch ở Trung ương và địa phương. Cùng với đó là Hệ thống Báo cáo thống kê du lịch từ Trung ương đến cơ sở; Hệ thống Dashboard thông tin điều hành du lịch; Hệ thống vé điện tử là bước đi đột phá trong công tác quản lý vé tại các khu, điểm du lịch, nâng cao trải nghiệm cho du khách và bảo vệ môi trường.

Trung tâm Thông tin du lịch cũng chú trọng đẩy mạnh công tác truyền thông quảng bá du lịch trên các kênh truyền thông số của Tổng cục Du lịch. Trong đó, website https://vietnamtourism.gov.vn hỗ trợ công tác quản lý nhà nước, website https://vietnam.travel quảng bá du lịch Việt Nam ra quốc tế; cùng với các trang mạng xã hội như Facebook, Zalo, Viber, YouTube, Instagram...

Hơn nữa, để hỗ trợ các địa phương chuyển đổi số cũng như giải quyết tình trạng thiếu đồng bộ, Trung tâm Thông tin du lịch đã xây dựng và ban hành Tài liệu Hướng dẫn chuyển đổi số trong ngành du lịch với chủ đề “Chuyển đổi nhận thức và thống nhất hành động”. Đây là khung hướng dẫn để triển khai chuyển đổi số một cách thống nhất, đồng bộ trong ngành du lịch, giúp tối ưu hóa kết quả, tiết kiệm nguồn lực và tăng cường tính liên kết trong toàn ngành.

Đối với Thẻ Du lịch Quốc gia, ông Hoàng Quốc Hòa nhấn mạnh những tính năng ưu việt, nổi bật của Thẻ như tính năng định danh để sử dụng trong ứng dụng Du lịch Quốc gia “Du lịch Việt Nam - Vietnam Travel” và liên thông đến các hệ thống trong hệ sinh thái số của Tổng cục Du lịch; tính năng thanh toán điện tử như một thẻ ngân hàng ATM thông thường và không mất phí giao dịch; tích hợp chữ ký số cá nhân có tính pháp lý tương đương như chữ ký tươi truyền thống; check-in điện tử đơn giản bằng cách quẹt thẻ hoặc sử dụng mã QR; kết nối đa dịch vụ du lịch, y tế, giao thông, giáo dục, tiện ích khu dân cư…

Đối với người dùng Thẻ Du lịch Quốc gia có thể sử dụng thay cho vé giấy tại các điểm tham quan, các khu vực kiểm soát ra/vào, gửi xe, gửi đồ…; thanh toán điện tử một chạm nhanh chóng không cần mang theo tiền mặt; được hưởng các chính sách ưu đãi từ các đơn vị cung cấp dịch vụ du lịch.

Đối với các đối tác/đại lý phát hành, sử dụng Thẻ Du lịch Quốc gia, sẽ được hỗ trợ giới thiệu khách hàng, hưởng chính sách hoa hồng và tăng doanh thu; được cung cấp phần mềm quản lý bán hàng, chương trình khuyến mại; tiếp cận hợp đồng số, chữ ký số; thuận tiện khi sử dụng thanh toán điện tử và hóa đơn điện tử.

Toàn cảnh Hội nghị. Ảnh: TITC

Phó Giám đốc điều hành Trung tâm Thông tin du lịch hy vọng, qua buổi giới thiệu này, các doanh nghiệp lữ hành, hướng dẫn viên sẽ có cái nhìn tổng quan hơn về chuyển đổi số trong ngành du lịch Việt Nam, đồng thời nắm bắt được những nền tảng số cốt lõi của Tổng cục Du lịch. Đối với Thẻ Du lịch Quốc gia là một sản phẩm chiến lược trong hệ sinh thái chuyển đổi số, các doanh nghiệp, hướng dẫn viên có thể áp dụng ngay trong hoạt động hàng ngày. Việc áp dụng rộng rãi Thẻ Du lịch Quốc gia sẽ góp phần quan trọng hình thành nên một cộng đồng du lịch thông minh, kết nối chặt chẽ khách du lịch và doanh nghiệp cung cấp dịch vụ, các hướng dẫn viên, giúp tiết kiệm chi phí, nâng cao hiệu quả quản lý và kinh doanh du lịch, hỗ trợ tốt cho khách du lịch. Đồng thời, góp phần xây dựng hành vi du lịch văn minh, hiện đại, hướng đến phát triển du lịch bền vững như định hướng của Chính phủ.

Ông Hoàng Quốc Hòa khẳng định, với vai trò là đơn vị đầu mối về chuyển đổi số và truyền thông số của Tổng cục Du lịch, Trung tâm Thông tin du lịch luôn sẵn sàng đồng hành và hỗ trợ các địa phương, doanh nghiệp, hướng dẫn viên trong quá trình triển khai chuyển đổi số nói chung và áp dụng Thẻ Du lịch Quốc gia nói riêng. Cùng với sự quan tâm, tạo điều kiện của Hội Hướng dẫn viên du lịch Việt Nam và Hội Du lịch cộng đồng Việt Nam, tin tưởng rằng các doanh nghiệp lữ hành và hướng dẫn viên sẽ là những nhân tố quan trọng thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong ngành du lịch.

Đại diện nhóm sản phẩm hướng dẫn trải nghiệm Thẻ Du lịch Quốc gia. Ảnh: TITC

Trong khuôn khổ chương trình, các đại biểu, khách mời và người tham dự đã được hỗ trợ mở thẻ miễn phí, hướng dẫn sử dụng và trải nghiệm các tính năng của thẻ và hệ sinh thái ứng dụng. Bên cạnh đó, các đơn vị lữ hành, hướng dẫn viên cũng đã được chia sẻ chi tiết về chính sách hợp tác, cách thức kinh doanh và quản trị du lịch thông qua hệ thống tiện ích số của Thẻ Du lịch Quốc gia.

Các diễn giả trao đổi tại phiên thảo luận. Ảnh: TITC

Tại phiên thảo luận, các đại biểu tham dự đánh giá cao hệ sinh thái chuyển đổi số du lịch thông minh của Tổng cục Du lịch, đặc biệt là Thẻ Du lịch Quốc gia với nhiều tính năng ưu việt. Thẻ đã được cải tiến và ngày càng hoàn thiện hơn kể từ khi ra mắt. Các đại biểu cũng đề nghị cần đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến về Thẻ Du lịch Quốc gia mạnh mẽ hơn nữa để khách du lịch, doanh nghiệp du lịch, hướng dẫn viên thấy được sự cần thiết và tiện dụng, tiếp tục mở rộng các điểm chấp nhận thanh toán bằng thẻ này. Một số đại biểu cũng cho rằng việc mở Thẻ Du lịch Quốc gia là giải pháp hữu hiệu trong hỗ trợ du khách nước ngoài trong quá trình du lịch ở Việt Nam. Hướng dẫn viên sẽ hướng dẫn khách mở thẻ, nạp tiền và sử dụng thẻ trong suốt chuyến đi. Bên cạnh đó, các đại biểu hy vọng, các khu, điểm du lịch sẽ triển khai áp dụng đồng bộ hệ thống thẻ - vé điện tử để không chỉ phục vụ nhu cầu mua vé trực tuyến, thanh toán một chạm, gia tăng trải nghiệm cho khách du lịch, hạn chế vé giấy bảo vệ môi trường, mà còn giúp cho các đơn vị tối ưu hóa quy trình quản lý và gia tăng lượng khách đến tham quan.

Các đại biểu, khách mời và người tham dự được hỗ trợ mở Thẻ Du lịch Quốc gia miễn phí. Ảnh: BTC

Trung tâm Thông tin du lịch