Tìm hiểu kinh nghiệm khai thác cơ sở lưu trú văn hóa truyền thống của Hàn Quốc
Là một quốc gia có nền văn hóa truyền thống lâu đời tại Đông Bắc Á, Hàn Quốc là một điểm đến ưa thích đối với du khách trong khu vực và trên thế giới, không chỉ để thưởng thức phong cảnh tuyệt đẹp, thời trang, nền âm nhạc K-pop, ẩm thực xứ sở kim chi, mà còn để tìm hiểu về lịch sử và nét văn hóa Á Đông độc đáo hiển hiện trong từng hơi thở cuộc sống ở đất nước này.
Xu hướng này mang đến cho ngành kinh doanh lưu trú Hàn Quốc cơ hội sáng tạo, phát triển các sản phẩm, dịch vụ trên cơ sở khai thác các yếu tố mềm về giá trị văn hóa, trong đó có hai sản phẩm độc đáo là lưu trú tại nhà truyền thống Hanok (Hanokstay) và lưu trú tại đền chùa (Templestay). Mở rộng khai thác loại hình cơ sở lưu trú văn hóa truyền thống không chỉ tạo động lực phát triển kinh tế địa phương, mà còn góp phần bảo tồn, phát huy và quảng bá giá trị văn hóa truyền thống vật thể và phi vật thể của Hàn Quốc ra bên ngoài.
* Lưu trú tại nhà truyền thống Hanok (Hanokstay)
(Ảnh: hanok.visitkorea.or.kr)
Hanok là kiểu nhà truyền thống của Hàn Quốc được xây dựng theo lối kiến trúc độc đáo với cấu trúc gỗ, mái nhà lợp ngói Giwa và xây dựng hình khối đá. Hầu hết những ngôi nhà Hanok đều được xây dựng trên nền đất có cảnh quan đẹp và theo nguyên tắc Besanimsu (được hiểu là có địa thế tựa sơn hướng thủy). Đặc biệt, cơ chế giữ ấm và làm mát không khí trong nhà là sự kết hợp hài hòa giữa các yếu tố môi trường tự nhiên.
Trên cơ sở nhà truyền thống Hanok, ngành kinh doanh lưu trú Hàn Quốc phát triển 3 loại hình cơ sở lưu trú mang phong cách Hanok, khác nhau về đặc điểm lịch sử và mức độ tiện nghi: (1) nhà Gotaek và Jongtaek, (2) nhà nghỉ phong cách Hanok, và (3) khách sạn truyền thống Hàn Quốc.
Trong đó, Jongtaek và Gotaek là những ngôi nhà của tư nhân, được xây dựng theo kiểu nhà truyền thống Hanok và được Chính phủ Hàn Quốc công nhận là di sản văn hóa. Cả hai đều là những công trình có giá trị văn hóa, lịch sử lâu đời và được bảo vệ bằng Luật bảo vệ tài sản văn hóa.
Nhà nghỉ phong cách Hanok không có giá trị lịch sử lâu đời như nhà Gotaek và Jongtaek. Tuy nhiên, nhà nghỉ phong cách Hanok được xây dựng trên cơ sở kết hợp kiến trúc truyền thống và hiện đại, bên cạnh đó còn cung cấp những dịch vụ tiện ích cho du khách để trải nghiệm cuộc sống thường nhật của người dân bản địa với giá cả phù hợp.
Không đơn thuần chỉ cung cấp chỗ ở, nhà Hanokstay còn mang đến cho du khách những trải nghiệm văn hóa khác biệt như mặc thử quần áo Hanbok truyền thống; tham gia tiệc cưới hay lễ trà đạo; tham gia tìm hiểu, chế biến các món ăn Hàn Quốc như Kim chi hay Cơm trộn, thưởng thức rượu truyền thống; tìm hiểu nghệ thuật truyền thống Hàn Quốc thông qua các hoạt động như làm mặt nạ hay quạt giấy, vẽ tranh dân gian, chơi nhạc cụ truyền thống…
Khách sạn truyền thống Hàn Quốc là cơ sở lưu trú theo phong cách Hanok bản địa, nhưng được xây dựng cầu kỳ hơn và bố trí đầy đủ tiện nghi nhằm phục vụ mục đích thuần túy thương mại. Theo tiêu chuẩn đăng ký kinh doanh loại hình này, bề ngoài khách sạn phải có phong cách Hanok, bên trong có phòng tắm hiện đại, các dịch vụ phục vụ khách phải được sắp xếp có hệ thống. Dù là xây dựng phục vụ mục đích kinh doanh thương mại nhưng yếu tố hài hòa với truyền thống luôn được chú ý đề cao, mang lại cho khách cảm giác chân thực về văn hóa truyền thống Hàn Quốc.
* Lưu trú tại đền chùa (Templestay)
(Ảnh: templestay.com)
Phật giáo có sự gắn kết sâu sắc với đời sống văn hóa truyền thống ở Hàn Quốc. Templestay là chương trình trải nghiệm văn hóa đặc biệt kết hợp với sinh hoạt tín ngưỡng Phật giáo tại các đền chùa, được thiết kế với mục đích phục vụ du lịch là chính. Chương trình Templestay khuyến khích du khách tìm hiểu đời sống Phật giáo và trải nghiệm văn hóa tín ngưỡng Hàn Quốc theo cách chân thực nhất.
Những trải nghiệm cơ bản mà chương trình Templestay cung cấp cho du khách có Thiền (Chamseon), lễ nghi tôn giáo (Yebu) và ăn chay (Balwoo Gongyang). Ngoài ra, còn có các chương trình trải nghiệm khác như: Thư giãn, trải nghiệm văn hóa phật giáo, trải nghiệm sinh thái, trải nghiệm văn hóa truyền thống, trải nghiệm tu hành, trải nghiệm cuộc sống nơi đền chùa và tham dự các sự kiện đặc biệt. Du khách có thể lựa chọn trải nghiệm các chương trình khác nhau tùy thuộc vào nhu cầu và nguyện vọng của mình trong thời gian lưu trú tại đền chùa.
Ban đầu chương trình Templestay ra đời như là một giải pháp bù đắp sự thiếu hụt cơ sở lưu trú trong thời gian Hàn Quốc đăng cai Cúp bóng đá thế giới (World Cup 2002). Sau đó, các dự án hợp tác công tư đã thúc đẩy chương trình Templestay phát triển cả về số lượng và chất lượng. Từ chỗ bắt đầu với 33 đền chùa tham gia hoạt động trong năm 2002 và đến năm 2013 đã tăng lên thành 110 đền chùa. Chương trình Templestay đang bùng nổ trở thành một sản phẩm du lịch sáng tạo và trở nên rất hấp dẫn đối với khách du lịch quốc tế, và được đánh giá rất cao trong Báo cáo thường niên năm 2009 của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD).
* Vai trò của các bên liên quan trong khai thác cơ sở lưu trú văn hóa truyền thống Hàn Quốc
Sản phẩm lưu trú Hanokstay và Templestay được thiết kế để mang lại cho du khách những trải nghiệm về tôn giáo và văn hóa truyền thống của Hàn Quốc. Có rất nhiều bên liên quan tham gia vào chương trình này, trong đó chính quyền địa phương và Trung ương đóng vai trò quan trọng trong việc hoạch định chính sách. Sự phối hợp đồng bộ giữa khu vực công và tư đã tạo điều kiện cho lĩnh vực kinh doanh cơ sở lưu trú truyền thống ở Hàn Quốc phát triển hiệu quả.
Chính phủ Hàn Quốc đặc biệt quan tâm, xây dựng cơ chế chính sách, tạo hành lang pháp lý cho lĩnh vực lưu trú mới mẻ và sáng tạo này, ví dụ nhà truyền thống Jongtaek và Gotaek được bảo vệ bằng Luật Bảo vệ tài sản văn hóa và Luật Bảo tồn công trình truyền thống; chương trình Templestay được hỗ trợ về tài chính theo Luật Xúc tiến du lịch và Luật Quỹ Phát triển và Xúc tiến du lịch; hoạt động quản lý và điều hành chương trình Templestay cũng được điều chỉnh bởi Luật Bảo tồn đền chùa truyền thống nhằm bảo vệ nguồn tài nguyên văn hóa phật giáo…
Đối với Hanokstay
Từ năm 2004, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hàn Quốc đã thực hiện một số dự án hỗ trợ các ngôi nhà truyền thống Hanok chuyển sang kinh doanh cơ sở lưu trú. Thông qua những dự án này, cơ sở vật chất của những ngôi nhà Hanok được nâng cấp trang bị thêm các tiện nghi trong phòng nghỉ và dịch vụ ăn uống, cải thiện đáng kể cả về số lượng lẫn chất lượng.
Để có được một hệ thống quản lý tiên tiến, Bộ VHTTDL Hàn Quốc là cơ quan khởi xướng tối ưu hóa các quy trình quản lý, làm nền tảng cho hoạt động của các cơ sở lưu trú truyền thống. Tổng cục Du lịch Hàn Quốc (KTO) là cơ quan chịu trách nhiệm chính về các hoạt động quảng bá và quan hệ công chúng cho các cơ sở lưu trú Hanok; ví dụ như xây dựng nội dung quảng bá chương trình trải nghiệm văn hóa nhà Hanok, xây dựng mạng lưới hợp tác với các tổ chức liên quan, nghiên cứu ứng dụng những công cụ marketing phù hợp, tổ chức các đoàn famtrip, xây dựng chương trình tour, giới thiệu các chương trình ưu đãi… Liên quan đến e-marketing, KTO đang vận hành trang web hanok.visitkorea.or.kr giới thiệu về loại hình cơ sở lưu trú Hanok và cung cấp thông tin về các cơ sở lưu trú phong cách Hanok để khách du lịch có thể lựa chọn.
Chính quyền địa phương cũng đã rất nỗ lực để quản lý và quảng bá những ngôi nhà truyền thống Hanok trên địa bàn. Đặc biệt, tỉnh Gyensang là địa phương năng động nhất trong việc thực hiện những sáng kiến bảo tồn và phát huy những ngôi nhà truyền thống trong địa bàn tỉnh để trở thành tài nguyên du lịch.
Tóm lại, chính quyền Hàn Quốc từ Trung ương đến địa phương đã cam kết hỗ trợ phát triển kinh doanh cơ sở lưu trú Hanokstay truyền thống bằng cách ban hành các luật và áp dụng các chính sách hỗ trợ tài chính thông qua các chương trình tài trợ khác nhau. Có thể thấy rằng hành lang pháp lý và cơ chế chính sách đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển các chương trình Hanokstay, trong đó có cả cải thiện cơ sở vật chất và tổ chức thực hiện các hoạt động tiếp thị chiến lược.
Đối với Templestay
Có nhiều bên liên quan tham gia vào hoạt động Templestay như Bộ VHTTDL Hàn Quốc và Tổng cục Du lịch Hàn Quốc ở cấp Trung ương, chính quyền các tỉnh, thành, quận, huyện, Đoàn Văn hóa Phật giáo Hàn Quốc (CCKB), các đền, chùa tham gia Templestay, các thuyết minh viên du lịch văn hóa… Từ năm 2004, Chính phủ thường xuyên hỗ trợ tài chính phát triển kinh doanh Templestay, chủ yếu dành cho công tác duy trì và xây dựng các cơ sở lưu trú và đào tạo. Các chương trình tài trợ của chính phủ đã thu hút sự quan tâm rất lớn của cộng đồng đến loại hình kinh doanh Templestay.
Sự hỗ trợ từ chính quyền địa phương cũng góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển hoạt động kinh doanh Templestay. Như ở Chungcheong, vào năm 2008 chính quyền tỉnh đã ban hành những quy định mới về xúc tiến du lịch để tăng cường hỗ trợ tài chính cho hoạt động Templestay. Nhiều khoản kinh phí lớn đã được cấp cho các đền chùa lớn trong tỉnh xây dựng thêm các cơ sở lưu trú phục vụ du lịch.
Ngoài ra, Tông phái Tào Khê (Jogye Order), tông phái Phật giáo Hàn Quốc có lịch sử hơn 1.200 năm, đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển chương trình Templestay. Tông phái này sáng lập ra Đoàn Văn hóa Phật giáo Hàn Quốc vào năm 2004 để đào tạo nguồn nhân lực phục vụ bảo tồn văn hóa Phật giáo truyền thống và phát triển một loạt các chương trình văn hóa dựa trên tài nguyên văn hóa Phật giáo Hàn Quốc. Đội ngũ Templestay của Đoàn Văn hóa Phật giáo Hàn Quốc chịu trách nhiệm quản lý và tiếp thị chương trình này. Đội ngũ này cũng điều hành trang web www.templestay.com để quảng bá trực tuyến, trong đó cung cấp những thông tin hữu ích như dịch vụ đặt phòng, giới thiệu đền chùa Hàn Quốc và các tin tức, sự kiện mới nhất. Đoàn Văn hóa Phật giáo Hàn Quốc tích cực hỗ trợ tài chính cho các hoạt động Templestay trên khắp cả nước thông qua các chương trình xúc tiến và quỹ phát triển do chính phủ tài trợ.
***
Thực tế cho thấy Hanokstay và Templestay đạt được thành công lớn nhờ vào sự hợp tác chặt chẽ giữa các bên tham gia vào hoạt động kinh doanh này. Một số mô hình thành công điển hình gồm có: Làng Jirye Artist Colony và Khu nghỉ dưỡng truyền thống O Dong Jae hấp dẫn du khách với cảnh quan xung quanh tuyệt đẹp cùng các trải nghiệm du lịch thú vị (ví dụ: trải nghiệm lễ cưới truyền thống Hàn Quốc); chùa Golgulsa cung cấp chương trình Templestay độc đáo với điểm nhấn là Thiền võ đạo Sunmudo; Nhà nghỉ truyền thống Moon thành công với hàng loạt chương trình hấp dẫn, khác biệt; Khu nghỉ dưỡng Ragung lại mang đến cho du khách dịch vụ lưu trú cao cấp với vị trí thuận lợi liền kề công viên Thiên niên kỷ Shilla, một công viên nổi tiếng về văn hóa truyền thống Hàn Quốc.
Có thể nói lĩnh vực kinh doanh lưu trú văn hóa truyền thống có rất nhiều tiềm năng và đang trong giai đoạn chuyển tiếp nhằm tìm hướng tạo dựng sự độc đáo, khác biệt và mở rộng khai thác. Qua kinh nghiệm của Hàn Quốc, các quốc gia có thế mạnh và quan tâm đến lĩnh vực lưu trú văn hóa truyền thống cần chú trọng:
(1) Trải nghiệm văn hóa khác biệt. Kinh doanh lưu trú văn hóa truyền thống khác biệt so với các loại hình lưu trú khác ở các chương trình trải nghiệm văn hóa và truyền thống. Đây chính là điểm nhấn quan trọng của các chương trình lưu trú văn hóa truyền thống và có sức hấp dẫn lớn đối với những thị trường khách chi tiêu cao. Do vậy, cần phát triển những chương trình trải nghiệm văn hóa độc đáo, khác biệt trở thành các sản phẩm du lịch hấp dẫn để thu hút khách.
(2) Nguồn nhân lực và đào tạo. Mục đích cuối cùng của kinh doanh du lịch là sự hài lòng của du khách, đây cũng là điều kiện tiên quyết để hoạt động kinh doanh lưu trú văn hóa truyền thống thành công. Vì vậy, việc đào tạo nhân lực cung ứng dịch vụ chất lượng cao là rất cần thiết.
(3) Đầu tư cơ sở vật chất và trang thiết bị. Du khách ưa thích tìm hiểu, trải nghiệm văn hóa khác biệt, đồng thời cũng thích được ở trong những cơ sở lưu trú đủ tiện nghi, tiện ích. Do đó, khai thác cơ sở lưu trú văn hóa truyền thống cần đầu tư cơ sở vật chất và trang thiết bị để đáp ứng mục tiêu kinh doanh lưu trú, trong khi vẫn đảm bảo không gian đặc trưng của một công trình truyền thống.
(4) Sự phối hợp chặt chẽ của các bên liên quan. Sự phối hợp của các bên liên quan trong bất kỳ hoạt động kinh tế nào là rất cần thiết. Cần thiết hình thành cơ chế phối hợp giữa các bên liên quan thông qua hợp tác công tư. Chính quyền các cấp, các hiệp hội và tổ chức du lịch, các trung tâm đào tạo du lịch, nhân viên trong ngành du lịch, du khách và cộng đồng địa phương là các bên liên quan tham gia vào quá trình kinh doanh và do vậy cần hợp tác chặt chẽ trong quá trình xây dựng chính sách, các chương trình đào tạo, xúc tiến quảng bá và các hoạt động khác.