Định hướng phát triển du lịch vùng Tây Bắc
Thị trấn Sa Pa – Lào Cai
Tiềm năng du lịch Tây Bắc
Vùng đất Tây Bắc sở hữu nguồn tiềm năng du lịch rất lớn với thiên nhiên kỳ vĩ, văn hóa đặc sắc và lịch sử hào hùng. Được thiên nhiên ban tặng một vẻ đẹp hùng vĩ, riêng có về địa hình, khí hậu, địa chất, cảnh quan và hệ sinh thái, Tây Bắc có sức hấp dẫn du lịch đặc biệt. Tây Bắc có đỉnh Fansipan được mệnh danh là nóc nhà Đông Dương, là niềm khát khao chinh phục của rất nhiều người; Sa Pa – Thị trấn trong mây với khí hậu quanh năm mát mẻ; Danh thắng quốc gia Ruộng bậc thang Mù Căng Chải với những khu ruộng bậc thang nổi tiếng; Hồ Pá Khoang rộng lớn nằm giữa một vùng thiên nhiên cảnh đẹp hùng vĩ với thảm thực vật phong phú, khí hậu ôn hòa; rừng Mường Phăng là một trong những khu bảo tồn tự nhiên với nhiều loại động thực vật quý hiếm của tỉnh Điện Biên; Thung lũng Mai Châu bình yên với sắc màu của cây cỏ, đồng lúa và xen lẫn những mái nhà nhỏ; Cao nguyên Mộc Châu rộng lớn và tươi đẹp với những loài hoa nở rất nhiều ở vùng núi Tây Bắc như hoa ban, hoa mận, hoa đào… Vẻ đẹp không đâu có của núi rừng và văn hóa Tây Bắc luôn thôi thúc lữ khách lên đường rời xa những đô thị sôi động để đến với vùng đất trời rộng mở, hùng vĩ, bình yên và bí ẩn.
Cùng với cảnh quan thiên nhiên kỳ vĩ, văn hóa truyền thống của các dân tộc cũng là điểm nổi bật trong tài nguyên du lịch nơi đây. Tây Bắc là nơi sinh sống của nhiều dân tộc như Tày, Nùng, Thái, Mường, Mông, Dao, Kinh, Hoa, Khơ Mú, Lào, Lự, Hà Nhì, Kháng, La Hủ, Si La, Phù Lá, Bố Y, Mảng, Giáy, Xơ Đăng, Lô Lô, Pà Thẻn, Phù Lá, Cờ Lao, La Chí… với một không gian văn hóa rộng lớn và phong phú. Nhiều dân tộc còn lưu giữ nguyên vẹn bản sắc văn hóa truyền thống của mình trong phong tục, tập quán, lễ hội, trang phục, nhạc cụ, các điệu dân ca, dân vũ như lễ hội Lồng Tồng, chợ tình Khâu Vai, múa sạp, múa xòe, hát then, nhạc cụ Pí cặp, pí sên, khèn môi… hay trong ứng xử cộng đồng, kiến trúc nhà ở, các phiên chợ bản… Ẩm thực Tây Bắc mang những nét đặc trưng, khác biệt hẳn so với các vùng khác với gà mọ, cá suối nướng úp, nộm da trâu, thịt trâu gác bếp, thắng cố… là tiềm năng du lịch hấp dẫn cho những du khách thích khám phá và trải nghiệm.
Hầm chỉ huy của tướng Đờ Cát nằm ở trung tâm tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ
Cùng với đó là những giá trị văn hóa, lịch sử thiêng liêng gắn liền với quá trình dựng nước và giữ nước của dân tộc như: Quần thể di tích chiến trường Điện Biên Phủ minh chứng của một thời “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” ghi lại chiến công hiển hách của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược; Khu di tích lịch sử Mường Phăng nơi đặt Sở chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ; Khu di tích lịch sử cấp Quốc gia Căng và Đồn Nghĩa Lộ – nơi đã diễn ra những trận chiến đấu ác liệt và chiến thắng năm 1952 giải phóng Nghĩa Lộ; Di tích Quốc gia đặc biệt Nhà tù Sơn La – nơi giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ…
Hiệu quả thu hút khách du lịch
Những năm gần đây, khách du lịch đến với Tây Bắc ngày một tăng, nhưng lượng khách phân bổ không đều giữa các địa phương, tính mùa vụ cao, tập trung vào các lễ hội đầu năm (Năm 2015, Lào Cai đón gần 2 triệu lượt khách; Hòa Bình đón hơn 2,5 triệu lượt khách; Sơn La đón gần 1,6 triệu lượt khách; Yên Bái đón khoảng 466.000 lượt khách; Điện Biên đón khoảng 420.000 lượt khách; Lai Châu đón 182.400 lượt khách); Thời gian lưu lại trung bình rất ngắn, dưới 1,5 ngày; Du lịch nghỉ dưỡng cao cấp chiếm tỷ trọng không đáng kể, do đó, nguồn thu từ du lịch chiếm tỷ trọng nhỏ trong cơ cấu kinh tế của địa phương. Gần đây, khách nội địa đến từ các thị trường xa như các tỉnh phía Nam đang có xu hướng tăng. Tỷ trọng khách quốc tế chủ yếu đến từ châu Âu, Úc và Nhật Bản đến Điện Biên, Hòa Bình, Lào Cai; khách Trung Quốc qua các cửa khẩu Lào Cai là chủ yếu. Phương tiện tiếp cận các điểm đến Tây Bắc chủ yếu theo đường bộ.
Hiện tại, toàn vùng có 307 cơ sở lưu trú được xếp hạng với gần 9.000 buồng. Trong đó, có 3 cơ sở 4 sao, 13 cơ sở 3 sao, 94 cơ sở 2 sao và 197 cơ sở 1 sao và chưa có cơ sở nào đạt tiêu chuẩn 5 sao. Hệ thống cơ sở lưu trú, nghỉ dưỡng, ăn uống, giải trí tại Tây Bắc vẫn còn thiếu. Cùng với đó, cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch còn yếu. Hệ thống giao thông vùng Tây Bắc chưa được đầu tư đồng bộ, đường xá đi lại còn gặp nhiều khó khăn.
Vẻ đẹp bình yên của lòng hồ Hòa Bình
Định hướng giải pháp phát triển du lịch Tây Bắc
Về phát triển sản phẩm, để du lịch vùng Tây Bắc phát triển tương xứng với tiềm năng và lợi thế sẵn có thì cần có các sản phẩm du lịch mang dấu ấn riêng, thương hiệu riêng, tạo điểm nhấn, điểm khác biệt đối với du khách dựa trên các tiềm năng thế mạnh nổi trội của từng nơi.
Lào Cai hội tụ tiềm năng thích hợp phát triển du lịch mạo hiểm dựa vào ưu thế có đỉnh Fansipan được mệnh danh là nóc nhà Đông Dương; du lịch nghỉ dưỡng núi với “Thị trấn trong mây” Sa Pa có khí hậu mát mẻ quanh năm. Vào mùa hè, thời tiết tại đây trong 1 ngày có đủ 4 mùa xuân, hạ, thu, đông cùng cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ; du lịch văn hóa và du lịch cộng đồng tại các bản làng dân tộc như Cát Cát, Tả Phìn, Tả Van, Bản Hồ, Sín Chải ở Sa Pa, chợ phiên Bắc Hà…
Điện Biên có thể tập trung phát triển du lịch tìm hiểu lịch sử trên cơ sở khai thác các giá trị lịch sử hào hùng của di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Chiến trường Điện Biên Phủ.Cùng với đó là phát triển du lịch sinh thái dựa trên tiềm năng lớn về hệ sinh thái rừng, sông, suối, hang động, hồ nước ở Pá Khoang, Him Lam. Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển Khu Du lịch quốc gia Điện Biên Phủ – Pá Khoang, tỉnh Điện Biên đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Đây là điều kiện thuận lợi để thúc đẩy phát triển du lịch của địa phương.
Đối với Hòa Bình, du lịch văn hóa cộng đồng đang ngày càng thu hút khách du lịch. Nhiều điểm du lịch cộng đồng nổi tiếng được nhiều du khách trong và ngoài nước biết đến như Bản Lác, Bản Poong Cọm (Mai Châu). Bên cạnh đó, Hòa Bình còn có nguồn nước khoáng phong phú, chất lượng như suối khoáng Kim Bôi, khoáng nóng xã Quý Hòa (huyện Lạc Sơn), xã Ngọc Lương (huyện Yên Thủy)… là những điều kiện tốt để phát triển loại hình du lịch nghỉ dưỡng.
Đồi chè trên Cao nguyên Mộc Châu
Có thể nói Cao nguyên Mộc Châu là nơi nổi bật nhất, tập trung nhiều nhất tài nguyên du lịch của Sơn La với địa hình và khí hậu đặc trưng. Năm 2014, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Mộc Châu đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Đây là điều kiện thuận lợi để thúc đẩy phát triển Mộc Châu trở thành một trung tâm du lịch lớn trong vùng và cả nước. Tại đây được định hướng tập trung phát triển loại hình du lịch nghỉ dưỡng, điều dưỡng chữa bệnh, du lịch tham quan sinh thái, dã ngoại gắn với nông nghiệp, du lịch cộng đồng. Bên cạnh đó gắn với du lịch giáo dục truyền thống cách mạng với tham quan di tích nhà tù Sơn La.
Yên Bái nổi tiếng với địa danh hồ Thác Bà – một biển hồ trong lòng Tây Bắc, Danh thắng quốc gia ruộng bậc thang Mù Căng Chải, Vùng văn hóa Mường Lò… Trong đó, hồ Thác Bà đã được quy hoạch là địa điểm có tiềm năng phát triển thành khu du lịch quốc gia. Do vậy cần khai thác tối đa tiềm năng, tập trung phát triển mạnh loại hình du lịch sinh thái ở hồ Thác Bà. Cần tiếp tục phát huy hiệu quả khai thác du lịch ở Mù Căng Chải với loại hình du lịch thể thao bay dù lượn tại đèo Khau Phạ, tham quan thắng cảnh ruộng bậc thang vào các thời điểm khác nhau trong năm.
Có thể thấy, trong số 6 tỉnh Tây Bắc thì Lai Châu có điều kiện khó khăn nhất trong phát triển du lịch, là một trong số những tỉnh nghèo nhất, xa xôi, địa hình hiểm trở, không có nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng như các tỉnh khác, chưa có sản phẩm du lịch đặc thù, làm du lịch ở quy mô nhỏ, lượng khách đến và nguồn thu từ du lịch còn rất thấp. Trong bối cảnh đó, ngành Du lịch Lai Châu đã xác định văn hóa dân tộc Lự sẽ đóng vai trò quan trọng tạo dấu ấn thực sự khác biệt trên tuyến du lịch “Vòng cung Tây Bắc” và đã từng bước hỗ trợ Bản Hon xây dựng nghề dệt truyền thống. Một điểm du lịch đáng chú ý nữa là bản Sin Súi Hồ cùng với văn hóa dân tộc Mông đã dần hình thành được mô hình du lịch cộng đồng dù còn ở quy mô nhỏ nhưng được đánh giá là khá bài bản và thuần khiết. Cùng với việc mở rộng khai thác các chợ phiên Sìn Hồ, San Thàng, các lễ hội Hạn Khuống, Hoa Ban, Ném còn… thì phát triển du lịch cộng đồng sẽ là hướng đi đúng đắn với Lai Châu. Bên cạnh đó, có thể nghiên cứu xây dựng sản phẩm du lịch mạo hiểm chinh phục đỉnh cao với đỉnh Putaleng và đỉnh Mộc Lương Tử đều cao trên 3.000m… thu hút đối tượng khách thích chinh phục, thích “phượt” vốn đang là trào lưu trong giới trẻ ở Việt Nam và du khách nước ngoài.
Cô gái dân tộc Lự ở Bản Hon bên khung cửi (Lai Châu)
Mới đây, nhằm xây dựng các sản phẩm du lịch đặc trưng, thu hút nhiều khách du lịch, đồng thời hướng tới Năm Du lịch Quốc gia 2017 Tây Bắc – Lào Cai, Tổng cục Du lịch đã tổ chức đoàn famtrip cho gần 70 doanh nghiệp lữ hành và đại diện cơ quan thông tấn, báo chí khảo sát Vòng cung Tây Bắc. Đây là cơ hội tốt để các doanh nghiệp lữ hành khảo sát, tìm hiểu điểm đến và xây dựng các sản phẩm du lịch đặc sắc và quảng bá vẻ đẹp tiềm năng của Tây Bắc.
Về kết nối giao thông, Tây Bắc là vùng rộng lớn với địa hình hiểm trở, rừng núi chập chùng, vì vậy để liên kết và phát triển du lịch về không gian thì điều kiện tiên quyết là phải có sự kết nối của các tuyến đường giao thông thuận lợi. Tại Hội thảo “Thực trạng và giải pháp thu hút khách du lịch đến vùng Tây Bắc” do Ban Chỉ đạo Tây Bắc và Bộ VHTTDL phối hợp tổ chức ngày 15/4/2016 tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Hồng Trường cho biết, thời gian tới, ngành giao thông vận tải tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp phát triển hạ tầng giao thông các tỉnh Tây Bắc đáp ứng nhu cầu phát triển du lịch; đẩy nhanh tiến độ xây dựng một số tuyến đường có vốn đầu tư nước ngoài; tiếp tục đầu tư các dự án mới…
Từ cuối tháng 9/2015, khi cao tốc Nội Bài – Lào Cai qua 5 tỉnh/thành phố: Hà Nội, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Yên Bái và Lào Cai đi vào hoạt động đã tạo ra tác động mạnh mẽ đến hoạt động du lịch nói riêng, tạo đà dịch chuyển và góp phần thay đổi diện mạo kinh tế – xã hội khu vực nói chung. Năm 2015, lượng khách du lịch đến Sa Pa tăng 1,5 lần, tăng trưởng kinh tế của Lào Cai đạt 14,1%… Và dĩ nhiên, các địa phương nằm trên trục Nội Bài – Lào Cai cũng sẽ được hưởng lợi khi cao tốc này đi vào vận hành. Đường cao tốc này có ý nghĩa chiến lược trong việc nâng cao khả năng tiếp cận các tỉnh vùng Tây Bắc, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế – xã hội của vùng.
Với vị trí là một trọng điểm du lịch ở khu vực Tây Bắc, trong Hội nghị Xúc tiến đầu tư và Phát triển du lịch tỉnh Lào Cai năm 2016, tỉnh Lào Cai đã kêu gọi đầu tư vào các dự án tiềm năng như: Cảng hàng không Lào Cai; tuyến đường sắt Lào Cai – Hà Nội tốc độ cao; hoàn thiện tuyến cao tốc Nội Bài – Lào Cai giai đoạn 2… Cũng trong hội nghị này đã diễn ra hoạt động ký kết thoả thuận hợp tác phát triển du lịch giữa Lào Cai và các tỉnh có thế mạnh về du lịch nhằm sẵn sàng phục vụ Năm Du lịch quốc gia 2017. Đây là cơ hội lớn để Lào Cai bứt phá trong phát triển du lịch.
Ruộng bậc thang Mù Cang Chải
Về xúc tiến quảng bá, các cơ quan du lịch của địa phương thuộc vùng Tây Bắc cần tích cực tham gia vào các hội chợ du lịch lớn ở trong và ngoài nước; Tận dụng sự hỗ trợ của cơ quan du lịch quốc gia, các tổ chức trong và ngoài nước triển khai e-marketing, ứng dụng công nghệ truyền thông, mạng xã hội để nâng cao hiệu quả quảng bá; tích cực tổ chức đón các đoàn fam&presstrip đến khảo sát, xây dựng sản phẩm và quảng bá hình ảnh Tây Bắc đến với du khách trong nước và quốc tế.
Về liên kết hợp tác, đây là một yếu tố đặc biệt quan trọng trong việc phát triển du lịch Tây Bắc. Việc liên kết giữa các điểm đến, các địa phương trong khu vực sẽ tạo ra được những tour, tuyến du lịch độc đáo trên cơ sở khai thác những điểm đến nổi bật và khác biệt của từng địa phương. Bên cạnh việc liên kết nội vùng, các tỉnh Tây Bắc còn cần phải liên kết với những địa phương trọng điểm du lịch như Hà Nội, Quảng Ninh, Thành phố Hồ Chí Minh và liên kết phát triển du lịch qua biên giới thu hút khách du lịch từ Trung Quốc, Lào nhất là các địa phương có cửa khẩu quốc tế là Lào Cai, Lai Châu, Điện Biên. Hệ thống doanh nghiệp làm du lịch ở các tỉnh Tây Bắc còn ít và chủ yếu quy mô nhỏ nên bên cạnh việc tự nâng cao năng lực thì yếu tố liên kết có ý nghĩa rất quan trọng để tận dụng thế mạnh của nhau về thông tin, sản phẩm, quảng bá…
Thực tế cho thấy, trong nhiều năm qua, khối hợp tác phát triển du lịch 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng với sự quan tâm của Trung ương, sự chủ động sáng tạo của các địa phương trong vùng, sự hỗ trợ kỹ thuật của các tổ chức như Tổ chức phát triển Hà Lan (SNV), Dự án EU… đã thu được những kết quả rất tích cực: Góp phần phát triển du lịch bền vững, giảm nghèo cho các cộng đồng được hỗ trợ trực tiếp từ phát triển du lịch; Hỗ trợ nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý và nhân lực du lịch tại các địa phương 8 tỉnh; Xây dựng những sản phẩm du lịch đặc thù, độc đáo, không trùng lặp ở các địa phương… mang lại những hiệu quả thiết thực góp phần vào sự thúc đẩy phát triển du lịch vùng và của từng địa phương.
Phát triển nguồn nhân lực du lịch luôn là một trong những yếu tố quyết định của quá trình phát triển du lịch, đặc biệt đối với các tỉnh Tây Bắc thì đây là một vấn đề then chốt do du lịch cộng đồng, tìm hiểu văn hóa là một sản phẩm đặc thù và chủ lực của Tây Bắc. Nguồn nhân lực phục vụ du lịch cộng đồng là người dân bản địa, am hiểu về văn hóa bản địa và được đào tạo bài bản về nghề du lịch để bảo đảm du khách vừa được phục vụ tốt vừa có được trải nghiệm nguyên bản về văn hóa địa phương. Cần bảo đảm cả hai yếu tố này để tránh sự cực đoan hoặc là nguyên sơ quá không biết làm du lịch, hoặc là thương mại hóa quá mất đi tính thuần khiết của văn hóa vùng cao. Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ ngành Du lịch cũng cần được quan tâm nâng cao trình độ, kỹ năng, đặc biệt là năng lực sáng tạo trong tham mưu xây dựng các sản phẩm du lịch đặc thù, chuyên nghiệp và tiếp cận với tri thức, công nghệ mới trong xúc tiến, quảng bá truyền thông.
Tây Bắc là khu vực miền núi có những đặc trưng riêng không thấy ở nơi nào khác trên đất nước. Sự hấp dẫn của du lịch Tây Bắc đã được khẳng định trong nhiều năm qua và luôn nằm trong danh sách điểm đến không thể bỏ qua của những du khách ưa thích sự khoáng đạt, mạo hiểm muốn tìm đến thiên nhiên hùng vĩ, hoang sơ, trải nghiệm nguyên bản về văn hóa. Nhưng mặt khác, Tây Bắc cũng là địa bàn nghèo, xa xôi, địa hình hiểm trở, nhiều điểm đến khó tiếp cận, một số địa phương còn gặp rất nhiều khó khăn trong phát triển du lịch nói riêng và kinh tế, xã hội nói chung. Do vậy, sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, sự cam kết, chủ động sáng tạo của các địa phương, doanh nghiệp, sự liên kết chặt chẽ của các bên liên quan, nhận thức và hành động của cộng đồng địa phương là những yếu tố quyết định đến sự thành công trong phát triển du lịch Tây Bắc, góp phần vào thúc đẩy kinh tế, xã hội của toàn khu vực.
Hương Lê