Đà Nẵng: Gắn mã QR-Code cho địa chỉ đỏ, thư viện
Giáo dục lịch sử, quảng bá di tích
Từ tháng 4/2022 đến nay, khi đến tham quan các địa chỉ đỏ, di tích lịch sử tại quận Liên Chiểu như: Khu di tích căn cứ lõm cách mạng B1 Hồng Phước, Đình Đà Sơn, Đình làng Xuân Thiều, Đình làng Hòa Mỹ, Miếu Tam Vị,… người dân, du khách, các em học sinh chỉ cần mang theo một chiếc điện thoại thông minh để quét mã QR-Code thì mọi thông tin cần tìm kiếm sẽ hiện ra nhanh chóng và đầy đủ nhất.
Anh Huỳnh Thanh Bình – Bí thư Quận Đoàn Liên Chiểu cho biết, từ cuộc thi “Gắn mã QR-Code tại các địa chỉ đỏ, di tích lịch sử – văn hóa” do Quận đoàn phối hợp với Ban Tuyên giáo, Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Liên Chiểu tổ chức, các em học sinh, thiếu nhi tại 21 trường học trên địa bàn quận được tìm hiểu các di tích lịch sử văn hoá, tham gia thuyết minh, tổ chức quay và dựng thành các video giới thiệu các địa chỉ đỏ. Các video phải đảm bảo tiêu chí: sinh động, hấp dẫn, dễ hiểu và đầy đủ thông tin.
Chỉ với một chiếc điện thoại thông minh để quét mã QRCode thì mọi thông tin cần về địa chỉ đỏ sẽ hiện ra nhanh chóng và đầy đủ nhất
“Ban tổ chức đã chọn các video đạt tiêu chuẩn về hình thức, nội dung và thực hiện gắn mã QR-Code tại một số di tích như: Khu di tích căn cứ lõm cách mạng B1 Hồng Phước, Đình Đà Sơn, Đình làng Xuân Thiều, Đình làng Hòa Mỹ, Miếu Tam Vị,… Mỗi mã QR-Code đều tích hợp các thông tin gồm: video, hình ảnh, âm thanh, văn bản về các địa chỉ đỏ và có thể cập nhật, thay đổi các dữ liệu thông tin khi cần”, anh Huỳnh Thanh Bình cho biết.
Qua gần 5 tháng triển khai, mô hình gắn mã QR-Code tại các địa chỉ đỏ không chỉ góp phần tiết kiệm kinh phí trong việc tuyên truyền, quảng bá văn hoá, du lịch tại các địa chỉ đỏ mà còn mang đến những trải nghiệm thú vị, mới mẻ, tiện lợi cho người dân, du khách. Quan trọng hơn, mô hình này đã góp phần giáo dục cho các thiếu nhi, học sinh về truyền thống cách mạng, lịch sử hào hùng của dân tộc thông qua việc thực hiện các video thuyết minh.
Cùng bạn đến tham quan, tìm hiểu lịch sử tại di tích B1 Hồng Phước, bạn Thanh Giang (sinh viên Trường Đại học Sư phạm – Đại học Đà Nẵng) chia sẻ: “Đây là lần đầu tiên mình đến tham quan di tích B1 Hồng Phước. Cá nhân mình thấy việc gắn mã QR-Code tại các địa chỉ đỏ khá hay và thiết thực, các video giới thiệu di tích được các bạn học sinh thực hiện rất công phu, hấp dẫn, nội dung lại cô đọng, súc tích, giúp mình dễ hiểu và dễ nhớ các thông tin hơn”.
Tuổi trẻ thành phố tham quan, tìm hiểu lịch sử tại Khu di tích căn cứ lõm cách mạng B1 Hồng Phước
Anh Huỳnh Thanh Bình cho biết, thời gian đến, Quận đoàn sẽ tiếp tục phối hợp với các đơn vị, đầu tư hoàn thiện, nâng cao chất lượng thông tin tích hợp của mã QR-Code tại các địa chỉ đỏ, góp phần quảng bá văn hoá, lịch sử cũng như thúc đẩy chuyển đổi số trong lĩnh vực văn hoá – du lịch của địa phương.
“Mô hình gắn mã QR-Code cho địa chỉ đỏ giúp mọi người cảm nhận rõ hơn truyền thống cách mạng hào hùng của dân tộc, từ đó, bồi đắp tình yêu quê hương, đất nước cũng như nâng cao ý thức, trách nhiệm của thế hệ trẻ đối với việc xây dựng và bảo vệ Tổ Quốc”, anh Huỳnh Thanh Bình nói.
Xây dựng “Thư viện số” trong khu dân cư
Với mong muốn nâng cao nhận thức, xây dựng và phát triển văn hóa đọc sách trong cộng đồng, các bạn trẻ Đoàn phường An Khê (quận Thanh Khê) phối hợp Ban chỉ đạo chuyển đổi số phường xây dựng, thiết kế “Thư viện số” theo hình thức 3D với hơn 300 đầu sách với đa dạng lĩnh vực: Sách viết về Bác Hồ, lịch sử, chuyển đổi số và công nghệ thông tin, văn học Việt Nam, địa lý, văn hóa – nghệ thuật, cổ tích, thể thao… Các đầu sách trước khi đưa lên thư viện được Đoàn phường và Đảng ủy, UBND phường hỗ trợ kiểm duyệt nội dung.
Hiện, mã QR-Code của “Thư viện số” đã được dán tại 15 nhà sinh hoạt cộng đồng và 15 quán cà phê trên địa bàn phường để mọi người có thể thấy và dễ dàng dùng điện thoại thông minh để truy cập tìm kiếm và đọc sách.
Phó Bí thư Đoàn phường An Khê Bùi Nguyên Hà cho biết, “Thư viện số” là một trong những mô hình thể hiện tinh thần tiên phong của tuổi trẻ phường trong công tác chuyển đổi số. Từ khi đưa vào vận hành vào đầu tháng 7 đến nay, thư viện đã có hơn 1.000 lượt truy cập. Qua đó, Đoàn phường cũng nhận được nhận những phản hồi tích cực từ bạn đọc cũng như các đề xuất về việc tiếp tục đa dạng đầu sách, thể loại sách. Trong thời gian tới, Đoàn phường sẽ cố gắng liên hệ các thư viện, tập hợp nhiều nguồn sách hay, phục vụ bạn đọc ở nhiều độ tuổi.
Tranh thủ thời gian nghỉ hè, Nguyễn Lê Trúc Quỳnh (18 tuổi, trú phường An Khê) thường cùng các bạn đến nhà sinh hoạt cộng đồng để tham gia sinh hoạt hè và quét mã QR-Code, truy cập vào thư viện đọc sách, giải trí.
“Mô hình “Thư viện ảo” rất thiết thực. Trong những buổi tập trung sinh hoạt hoặc trong thời gian rảnh, thay vì dùng điện thoại chơi game, lướt web thì mình có thể vào thư viện, tìm đọc những cuốn sách mình thích. Với mình thì đọc sách trên điện thoại sẽ thu hút hơn là đọc sách bản giấy”, Trúc Quỳnh chia sẻ.
Bí thư Thành Đoàn Nguyễn Mạnh Dũng cho biết, trên cơ sở Nghị quyết số 05-NQ/TU của Ban Thường vụ Thành ủy về “Nghị quyết của Ban chấp hành Đảng bộ thành phố về chuyển đổi số trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, Ban Thường vụ Thành Đoàn đã xây dựng kế hoạch, hướng dẫn, chỉ đạo các đơn vị trực thuộc thực hiện số hóa một số nội dung công việc liên quan đến hoạt động Đoàn.
“Đến thời điểm hiện tại, một số địa phương đã triển khai mô hình “Số hóa địa chỉ đỏ” và nhận được sự phản hồi tích cực, hiệu quả trong công tác giáo dục lý tưởng cách mạng cho đoàn viên cũng như chung tay cùng địa phương quảng bá các di tích lịch sử. Cùng với đó, kết hợp với mô hình “Đọc sách làm theo Bác”, nhiều trường học, tổ chức đoàn đã thực hiện gắn mã QR-Code, xây dựng thư viện số để nâng cao ý thức, lan tỏa văn hóa đọc không chỉ trong đoàn viên mà còn trong cộng đồng, xã hội”, Bí thư Thành Đoàn Nguyễn Mạnh Dũng đánh giá.
Thanh Thảo
Cổng thông tin điện tử thành phố Đà Nẵng – danang.gov.vn