Bảo tàng tỉnh Yên Bái: Chuyển đổi số phát huy giá trị di sản
Cán bộ Bảo tàng tỉnh Yên Bái và giảng viên, sinh viên Trường Đại học Công nghệ và Thông tin truyền thông Thái Nguyên nghiên cứu hiện vật phục vụ Đề tài khoa học “Chuyển đổi số các hiện vật Bảo tàng tỉnh Yên Bái hình thành Bảo tàng thực tế ảo (VR)”
Năm 2004, Bảo tàng tỉnh đã tham gia tập huấn và chuyển giao quản lý sử dụng phần mềm quản lý thông tin hiện vật do Cục Di sản Văn hóa, Bộ văn hóa, Thể thao và Du lịch triển khai. Từ đó đến nay, Bảo tàng tỉnh đã ứng dụng phần mềm trong công tác kiểm kê khoa học hiện vật, đăng ký được 2.200 hiện vật vào hệ thống phần mềm quản lý hiện vật. Bước đầu đã mang lại những kết quả tích cực, công tác quản lý, lưu trữ, khai thác, nghiên cứu thông tin hiện vật tiến hành một cách thuận tiện, khoa học hơn.
Bà Lê Kiều Minh – cán bộ kiểm kê Phòng Nghiệp vụ Bảo tàng tỉnh cho biết: “Nhờ có phần mềm Quản lý thông tin hiện vật chúng tôi có thể quản lý chặt chẽ các bộ sưu tập hiện vật theo phương pháp hiện đại phù hợp với thời buổi khoa học công nghệ phát triển nhanh. Phần mềm còn giúp bảo quản hồ sơ hiện vật của Bảo tàng, di tích tốt hơn vì hạn chế được tình trạng phải mở sổ tra cứu trực tiếp, thuận tiện cho việc đăng nhập hồ sơ hiện vật mới. Việc lưu trữ, sắp xếp, tìm kiếm, thống kê, báo cáo, in ấn, trao đổi thông tin cũng được nhanh chóng, chính xác, khoa học”.
Cùng với việc số hóa công tác kiểm kê, quản lý hiện vật, hiện nay trên trang web và trang mạng xã hội Facebook chính thức của Bảo tàng cũng thường xuyên cập nhật các thông tin về hiện vật hay các hoạt động của Bảo tàng để tuyên truyền rộng rãi đến đông đảo các tầng lớp nhân dân. Đặc biệt, từ năm 2021 Bảo tàng tỉnh Yên Bái đã phối hợp cùng với Trường Đại học Công nghệ thông tin truyền thông – Đại học Thái Nguyên triển khai Đề tài khoa học “Chuyển đổi số các hiện vật Bảo tàng tỉnh Yên Bái hình thành Bảo tàng thực tế ảo (VR)”.
Ông Hoàng Tiến Long – Giám đốc Bảo tàng tỉnh Yên Bái cho biết: “Đề tài khoa học đang trong quá trình kiểm tra những khâu cuối cùng dự kiến sẽ hoàn thiện và đưa vào hoạt động trong tháng 11 tới. Bảo tàng thực tế ảo dựa vào ứng dụng công nghệ VR tăng cường chạy trên môi trường Web 3D được đưa vào hoạt động sẽ là công cụ hỗ trợ tốt cho các hoạt động tham quan nhất là trong thời kỳ dịch bệnh Covid-19. Ở mọi nơi, mọi lúc, chỉ cần truy cập vào trang Web của Bảo tàng, du khách có thể có những trải nghiệm mới mẻ, thú vị. Trong tương lai hình thức tham quan trực tuyến này sẽ trở thành xu thế tất yếu, lâu dài”.
Chuyển đổi số trong hoạt động bảo tàng là cầu nối để đưa các di sản đến gần hơn với công chúng, đóng góp tích cực vào trong quá trình bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa, đưa di sản văn hóa trở thành sản phẩm của du lịch, phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh.
Lê Thương
Báo Yên Bái – baoyenbai.com.vn