Skip to content
  1. Home
  2. »
  3. CNTT và thông tin
  4. »
  5. Đà Nẵng: Đẩy mạnh chuyển đổi số trong hoạt động…

Đà Nẵng: Đẩy mạnh chuyển đổi số trong hoạt động văn hóa

Giao diện Thành Điện Hải trên nền tảng Bản đồ di sản số của Bảo tàng Đà Nẵng. Ảnh: X.D

Các bảo tàng trên địa bàn thành phố từng bước ứng dụng công nghệ thông tin, hướng đến mục tiêu chuyển đổi số toàn diện hoạt động. Ngày 30/9, Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng ký kết hợp tác với Công ty CP Giải pháp chuyển đổi số (VR360) nhằm nâng cao chất lượng phục vụ công chúng, tăng trải nghiệm cho khách tham quan trong và ngoài nước.

Phó Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng Nguyễn Thị Trinh cho biết, tiến trình chuyển đổi số của đơn vị được chia làm 3 giai đoạn, kéo dài từ năm 2022 đến 2024. Trong giai đoạn đầu, phía VR360 hỗ trợ bảo tàng hoàn thành các hạng mục như: tạo VR Tour cho tổng quan dự án, vẽ model 3D lên Map 3D, lập trình MC ảo giới thiệu tổng quan bảo tàng…

Trong những năm tiếp theo, VR360 tiếp tục hoàn thiện và nâng cấp công nghệ chuyển đổi số cho Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng. “Với xu hướng chuyển đổi số đang lan tỏa trên toàn cầu hiện nay, công nghệ số cần được ứng dụng cấp thiết vào công tác bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa nói chung và di sản mỹ thuật nói riêng”, bà Trinh nói.

Tháng 9/2022, Bảo tàng Điêu khắc Chăm tiếp tục được giới thiệu trên nền tảng VR360 – Một chạm đến Đà Nẵng ở phiên bản nâng cấp, có tích hợp nhiều tính năng mới, đặc biệt lần đầu tiên thử nghiệm giới thiệu trên không gian vũ trụ ảo (Metaverse).

Trước đó, năm 2020, đơn vị là bảo tàng duy nhất tại thành phố có ứng dụng tham quan thực tế ảo được tích hợp, đồng bộ trên nền tảng này. Trong năm 2021, Bảo tàng Điêu khắc Chăm vinh dự là bảo tàng đầu tiên và duy nhất đến nay được giới thiệu trong triển lãm trực tuyến “Google Arts & Culture – Kỳ quan Việt Nam” do Tổng cục Du lịch phối hợp Tập đoàn Google thực hiện.

Giám đốc Bảo tàng Điêu khắc Chăm Hồ Tấn Tuấn cho biết, từ đầu năm đến nay, bảo tàng tiếp tục phát huy và ứng dụng tốt việc chuyển đổi số trong các hoạt động chuyên môn ở nhiều mảng nghiệp vụ như: công tác kho, giáo dục, truyền thông quảng bá. Tháng 6/2022, đơn vị nghiên cứu và đưa vào ứng dụng mô hình quản lý thông tin hiện vật kho bằng công nghệ quét mã QR. “Việc ứng dụng công nghệ quét mã QR giúp truy xuất thông tin hiện vật nhanh chóng, góp phần tiết kiệm được nhiều công sức và thời gian cho đội ngũ quản lý”, ông Tuấn chia sẻ.

Từ năm 2018 đến nay, Bảo tàng Đà Nẵng xây dựng và không ngừng củng cố “Bản đồ di sản số” trên nền tảng website: bandodisandanang. vn. Đối với “Bản đồ di sản số”, những thông tin, hình ảnh về hệ thống di tích trên địa bàn thành phố được chia sẻ rộng rãi và trực quan.

Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng Huỳnh Đình Quốc Thiện cho hay, bên cạnh “Bản đồ di sản số”, hiện đơn vị có hơn 600 hiện vật trưng bày được số hóa, kèm theo hồ sơ thuyết minh. Cùng với đó, Bảo tàng Đà Nẵng cũng tiến hành chuyển đổi số đối với toàn bộ hiện vật đang trưng bày, bảo quản thông qua mã QR nhằm cải thiện chất lượng phục vụ khách tham quan, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho khâu lưu trữ và quảng bá giá trị các di sản văn hóa vật thể.

“Hiện Bảo tàng Đà Nẵng đang cùng các đơn vị thực hiện giải pháp chuyển đổi số ứng dụng trong lĩnh vực văn hóa. Trong đó, đưa ra giải pháp tổng thể về số hóa tài nguyên di sản; hệ sinh thái ứng dụng phục vụ chuyển đổi số; nội dung chuyển đổi số trong bảo tàng – bảo tàng số thông minh…”, ông Thiện thông tin.

Giữa tháng 10/2022, Thư viện Khoa học Tổng hợp triển khai tập huấn các nội dung về “Chuyển đổi số ngành thư viện” cho cán bộ thư viện các quận, huyện, phòng đọc sách phường, xã và các trường học trên địa bàn thành phố.

Giám đốc Thư viện Khoa học Tổng hợp Lê Thị Bích Phượng cho biết, chương trình giúp học viên cập nhật những nội dung cơ bản về: công tác chuyển đổi số; các công nghệ ứng dụng trong chuyển đổi số thư viện; kinh nghiệm và giải pháp ứng dụng công nghệ trong chuyển đổi số lĩnh vực thư viện…

“Việc tổ chức lớp tập huấn nhằm bồi dưỡng những kiến thức về chuyển đổi số cho người làm công tác thư viện. Từ đó, đáp ứng nhu cầu cung cấp thông tin, dữ liệu ngày càng nhanh chóng, chính xác của bạn đọc, cũng như tối ưu hóa công tác quản lý thư viện”, bà Phượng bày tỏ.

Theo Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Phạm Tấn Xử, từ đầu năm 2022, sở ban hành kế hoạch chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 với các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể. Trong đó, các nhiệm vụ, giải pháp được chia làm 4 nhóm, gồm: tạo nền tảng chuyển đổi số, phát triển chính quyền số, kinh tế số và xã hội số.

Đối với ngành văn hóa, mục tiêu đến năm 2025, các bảo tàng, công trình kiến trúc – văn hóa mang giá trị lịch sử trên địa bàn thành phố thực hiện ứng dụng thuyết minh trên thiết bị di động thông minh và công nghệ thực tế ảo; xây dựng hệ thống thư viện số thành phố. Cùng với đó, các nhà hát, Trung tâm Văn hóa – Điện ảnh ứng dụng công nghệ số, công nghệ âm thanh, ánh sáng trong các hoạt động biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp.

“Chuyển đổi số là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt trong công tác quản lý Nhà nước và tổ chức các hoạt động sự nghiệp của ngành. Đồng thời, góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế hoạt động trên lĩnh vực văn hóa, thể thao và gia đình trên địa bàn thành phố”, ông Xử nhấn mạnh.

Xuân Dũng

Báo Đà Nẵng Online – baodanang.vn