Định hướng hoạt động khoa học công nghệ phục vụ phát triển du lịch trong bối cảnh mới
Ông Phạm Văn Thủy, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch
Hoạt động khoa học công nghệ trong phát triển du lịch đất nước
Nghiên cứu khoa học là một trong những hoạt động nền tảng và quan trọng trong quá trình quản lý và phát triển du lịch. Nghiên cứu khoa học đóng góp những tri thức khoa học về du lịch, hay nói cách khác là cung cấp hệ thống tri thức về quy luật, sự vận động của các yếu tố tham gia vào chuỗi giá trị du lịch phục vụ quá trình quản lý hiệu quả, hợp lý. Trên cơ sở đó, phát triển du lịch dựa trên các nghiên cứu khách quan và các giải pháp phát triển Ngành được đề xuất phù hợp hơn và chính xác hơn, hướng tới nâng cao khả năng thích nghi trong xu thế phát triển và bối cảnh liên tục thay đổi.
Phát huy hơn nữa sức mạnh nền tảng của khoa học công nghệ đối với phát triển du lịch trong thời kỳ mới, trong những năm gần đây, công tác nghiên cứu khoa học đã được đẩy mạnh theo định hướng chiến lược: lấy nghiên cứu cơ bản làm nền tảng, tăng cường hàm lượng các nghiên cứu ứng dụng thực tiễn, triển khai vào các lĩnh vực phát triển Ngành.
Nghiên cứu cơ bản phát triển Ngành: Trong những năm qua, 18 công trình nghiên cứu cơ bản đã được Viện Nghiên cứu phát triển Du lịch thực hiện. Đây là các nhiệm vụ nghiên cứu mang tính chuyên sâu, cần có sự đầu tư về con người và nguồn lực. Các đề tài, dự án, nhiệm vụ nghiên cứu hướng tới các vấn đề đặc trưng, mang tính bản chất, quy luật của sự phát triển du lịch và những xu hướng mới, có tính thời sự như phát triển các loại hình du lịch, nghiên cứu các thị trường khách du lịch, quản lý phát triển nguồn nhân lực du lịch, biến đổi khí hậu, quản lý điểm đến, bảo vệ môi trường, phát triển sản phẩm du lịch…
Nghiên cứu phục vụ xây dựng chiến lược, chính sách, quy hoạch phát triển chung: Đây là nội dung quan trọng, được Ngành chú trọng thực hiện trong nhiều năm nay. Hơn 10 công trình nghiên cứu đã được tiến hành liên tục đảm bảo phục vụ cho công tác đề xuất, tham mưu xây dựng chiến lược, chính sách, quy hoạch phát triển chung của ngành Du lịch như đánh giá tình hình thực hiện Chiến lược ngành Du lịch; kinh nghiệm xây dựng chính sách phát triển du lịch của các nước, các vùng; hoạch định các chiến lược, quy hoạch phát triển, bảo vệ môi trường, tài nguyên du lịch… Các kết quả nghiên cứu góp phần quan trọng trong công tác giải quyết những vấn đề đặt ra trong hoạt động phát triển du lịch hiện nay, cũng như tham mưu trong công tác quản lý nhà nước về du lịch.
Để đáp ứng các yêu cầu ngày càng cao trong quá trình hội nhập cũng như giải quyết được các vấn đề cấp bách hiện nay, ngành Du lịch cũng đang nỗ lực nghiên cứu, đổi mới các đề xuất khoa học công nghệ, kết nối với hợp tác quốc tế nhằm nâng cao chất lượng đề xuất nhiệm vụ khoa học và công nghệ, tăng cường gắn kết hoạt động nghiên cứu khoa học với thực tiễn phát triển du lịch.
Điều tra, khảo sát, xây dựng tiêu chí, tiêu chuẩn phục vụ quản lý nhà nước về du lịch: Trên cơ sở đánh giá chung tình hình triển khai nhiệm vụ của Tổng cục Du lịch, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, việc tổng hợp, lấy ý kiến chuyên môn xác định các vấn đề cần quan tâm, giải quyết và lập kế hoạch xác định nhiệm vụ điều tra, khảo sát hiện trạng để xây dựng cơ sở, căn cứ đảm bảo tính khoa học, kết hợp lý luận và thực tiễn để đưa ra các đề xuất, nhiệm vụ mang tính hành động và giải pháp phù hợp đã được thực hiện khá tốt, đảm bảo việc kết nối, liên kết và trao đổi giữa các đơn vị và các bên liên quan.
Nhằm tăng cường tính thực tiễn, đề xuất phục vụ cho công tác xây dựng các chiến lược, quy hoạch, quản lý khu/điểm du lịch cũng như phát triển sản phẩm và thị trường du lịch, các khảo sát, thực địa tại nhiều địa bàn trong cả nước cũng như trao đổi, học hỏi kinh nghiệm tại một số quốc gia trên thế giới nhằm cập nhật và chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm thực tế, xây dựng mối quan hệ hợp tác trong công tác nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ du lịch đã được triển khai liên tục, hiệu quả trong nhiều năm qua.
Thông tin khoa học công nghệ: Hoạt động này bao gồm tin học hóa trong công tác nghiên cứu khoa học; duy trì các trang thông tin điện tử của Tổng cục Du lịch và các đơn vị liên quan, đặc biệt là của Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch – đơn vị nghiên cứu chiến lược đầu ngành của ngành Du lịch; phát hành các ấn phẩm khoa học của Tạp chí Du lịch, báo cáo hoạt động khoa học công nghệ, bản tin Du lịch và Phát triển…; xây dựng và phát triển thư viện số nhằm cung cấp, phổ biến thông tin nghiên cứu khoa học công nghệ trong lĩnh vực du lịch hiệu quả.
Hợp tác quốc tế trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học: Các chương trình hợp tác, trao đổi cán bộ nghiên cứu tại các đơn vị thuộc Tổng cục Du lịch và cơ quan đối tác nước ngoài như Thái Lan, Hàn Quốc… đã được triển khai. Hợp tác quốc tế trong nghiên cứu khoa học sẽ được đẩy mạnh hơn nữa theo nhiều hình thức, với nhiều đơn vị, viện nghiên cứu trong khu vực và quốc tế để cập nhật phương pháp luận, công cụ nghiên cứu tiên tiến gắn với tiếp thu có chọn lọc để tăng cường chất lượng các công trình nghiên cứu khoa học hướng tới hội nhập quốc tế.
Tổ chức diễn đàn, hội nghị, hội thảo trong nước và quốc tế liên quan đến du lịch: Bên cạnh các nhiệm vụ nghiên cứu, những chủ đề “nóng” cần giải quyết của Ngành được thảo luận qua các hội nghị, hội thảo, diễn đàn với sự tham gia của các nhà khoa học, chuyên gia trong lĩnh vực du lịch, các ngành kinh tế liên quan, cơ quan quản lý nhà nước về du lịch ở Trung ương và địa phương, các doanh nghiệp du lịch, các nhà đầu tư và các tổ chức cá nhân liên quan nhằm chia sẻ thông tin, ý kiến, sáng kiến và giải pháp trong quản lý, phát triển du lịch.
Một số khó khăn trong nghiên cứu khoa học công nghệ phục vụ phát triển du lịch
Kết quả của hoạt động nghiên cứu khoa học và công nghệ trong lĩnh vực du lịch đã đáp ứng được các nhiệm vụ quan trọng của Ngành, góp phần nâng cao hiệu quả, chất lượng trong công tác xây dựng chiến lược, chính sách, quy hoạch. Bên cạnh kết quả đạt được, công tác nghiên cứu khoa học công nghệ trong lĩnh vực còn gặp một số khó khăn:
Việc xác định vấn đề nghiên cứu còn chậm và chưa thực sự chủ động, tính dự báo còn bị hạn chế. Điều này ảnh hưởng không nhỏ tới khả năng ứng phó một cách chủ động đối với những thay đổi bất thường; Một số vấn đề nghiên cứu còn mang nặng tính hàn lâm, cần có sự đổi mới trong cách thức tiếp cận, nội dung nghiên cứu và hình thức thực hiện; Quá trình phê duyệt triển khai thực hiện các nhiệm vụ còn chậm do những khó khăn từ đề xuất, thống nhất ý tưởng, nhiệm vụ đến xây dựng thuyết minh cũng như công tác lập kế hoạch triển khai; Đội ngũ cán bộ nghiên cứu còn mỏng, khoảng cách về trình độ khá lớn ảnh hưởng tới việc tổ chức, chất lượng, hiệu quả và kết quả thực hiện nhiệm vụ; Nguồn kinh phí cho khoa học công nghệ còn khiêm tốn đặc biệt là các kinh phí chi cho các hoạt động hợp tác quốc tế.
Định hướng hoạt động khoa học công nghệ phát triển du lịch trong thời gian tới
Định hướng nhiệm vụ hoạt động khoa học công nghệ phát triển du lịch đã được xác định: “Đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng kết hợp với nghiên cứu cơ bản; coi trọng triển khai thực hiện đề tài cấp quốc gia và nhiệm vụ khoa học và công nghệ nhằm giải quyết những vấn đề cấp thiết của Ngành thời gian tới”. Trong đó tập trung các vấn đề sau:
Thứ nhất, đề xuất nghiên cứu cần tiếp tục hướng tới phát triển du lịch bền vững, du lịch trách nhiệm, tăng trưởng xanh trong du lịch gắn với các xu hướng mới như quản lý phát triển du lịch thông minh, ứng dụng công nghệ số trong mô hình quản lý và kinh doanh du lịch, xác định các phân khúc thị trường mục tiêu phù hợp với các dòng sản phẩm đặc trưng của Du lịch Việt Nam, các quy luật của thị trường khách du lịch và tiêu dùng sản phẩm du lịch, giảm thiểu và sử dụng hiệu quả tài nguyên, các giải pháp phát triển du lịch thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo vệ tài nguyên môi trường và hội nhập khu vực cũng như quốc tế.
Thứ hai, công tác nghiên cứu khoa học và công nghệ cần gắn với đổi mới hệ sinh thái của Ngành nhằm gia tăng khả năng thích ứng với những thay đổi trong thời gian tới. Đồng thời đẩy mạnh nghiên cứu gắn liền với khả năng ứng dụng, triển khai thực tế phục vụ cho việc cơ cấu lại ngành Du lịch, cũng như tạo ra môi trường du lịch thân thiện, sáng tạo, bền vững và linh hoạt.
Thứ ba, đổi mới về quy trình và thủ tục triển khai, thực hiện các hoạt động nghiên cứu khoa học, tạo điều kiện tối đa cho các nhà khoa học, các chuyên gia, các nghiên cứu viên phát huy khả năng nghiên cứu sáng tạo, đổi mới; tạo dựng cơ chế, chính khách khuyến khích các nhà khoa học tham gia trong lĩnh vực du lịch.
Thứ tư, xây dựng mạng lưới người làm nghiên cứu khoa học du lịch rộng khắp, tận dụng được chất xám trong việc xây dựng ý tưởng phát triển Ngành.
Thứ năm, xã hội hóa công tác nghiên cứu khoa học du lịch nhằm tạo ra hiệu quả cao hơn, gắn nghiên cứu khoa học với nhu cầu thực tiễn và đảm bảo tính hiệu quả trong quá trình triển khai.
Thứ sáu, tăng cường hợp tác quốc tế trong nghiên cứu khoa học du lịch; tạo điều kiện cho việc trao đổi kinh nghiệm, trao đổi chuyên gia, chia sẻ học thuật trong lĩnh vực du lịch; đảm bảo hợp tác hiệu quả và phù hợp với yêu cầu chung trong quá trình phát triển của Ngành.
Thứ bảy, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về nghiên cứu khoa học và công nghệ trong phát triển du lịch, đảm bảo tính hệ thống và khả năng truy cập; xây dựng các ấn phẩm khoa học chuyên Ngành với các tiêu chuẩn khoa học quốc tế.
Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, hoạt động nghiên cứu khoa học và công nghệ trong ngành Du lịch gắn kết với nhiều lĩnh vực khác như văn hóa, môi trường, lao động… không chỉ nhằm góp phần giải quyết những vấn đề mang tính cấp bách của Ngành trong thời kỳ mới, phục vụ công tác tham mưu xây dựng chiến lược, quy hoạch, chế độ, chính sách của Ngành, lĩnh vực có liên quan đến du lịch mà còn là đòn bẩy để thúc đẩy sự đổi mới, sự chuyển mình đột phá của ngành Du lịch trong thời gian tới./.
TS. Phạm Văn Thủy
PHÓ TỔNG CỤC TRƯỞNG TỔNG CỤC DU LỊCH
Nguồn: Tạp chí Du lịch