Doanh nghiệp ứng dụng công nghệ số để quảng bá sản phẩm du lịch nông thôn: Hướng đi mới sau đại dịch
Cốm Tú Lệ – Đặc sản Tây Bắc được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng
Hai năm kể từ khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động du lịch của Công ty cổ phần du lịch VietSense – VietSense Travel. Để thích nghi với dịch bệnh, đồng thời tìm hướng đi mới nhằm phát triển doanh nghiệp, công ty cổ phần du lịch VietSense đang từng bước chuyển đổi hoạt động, khai thác đặc sản vùng miền và ứng dụng công nghệ thông tin để đưa nhưng sản phẩm này đến tay người tiêu dùng một cách nhanh nhất.
Từ tỏi Lý Sơn, gạo nếp Tú Lệ, măng khô Tây Bắc, đến nem chua Thanh Hóa, dê núi Ninh Bình, lạp sườn Mộc Châu… được VietSense phân phối trên các sàn thương mại điện tử, các trang mạng xã hội và trở thành mặt hàng thiết yếu được nhiều gia đình lựa chọn trong mùa dịch. Từ những kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực lữ hành trước đó cùng với trau dồi kỹ năng mới, VietSense đã thành lập hệ thống VietSense Mart – siêu thị thực phẩm sạch và nhà hàng Tái Dê Ninh Bình, vừa mang lại nguồn thu hiệu quả, đồng thời góp phần xây dựng hệ sinh thái du lịch khép kín như lữ hành, vận chuyển, mua sắm…
Đặc sản Ram Quảng Bình
Theo ông Nguyễn Văn Tài, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần du lịch VietSense, nếu như trước đây, khách du lịch phải đến trực tiếp địa phương để có thể chọn mua đặc sản thì giờ đây, thông qua các sàn thương mại điện tử, những đặc sản này được đưa đến tay người tiêu dùng tại những thành phố lớn một cách nhanh chóng, thuận tiện.
Cùng với VietSense, tại nhiều địa phương trên cả nước, các doanh nghiệp du lịch, các hợp tác xã du lịch cộng đồng, du lịch nông thôn cũng đang dần chuyển hướng sang cung cấp sản phẩm nông nghiệp. Ở những bản vùng cao tại thị trấn Sa Pa (Lào Cai), phần lớn các thành viên trong hợp tác xã du lịch cộng đồng Tả Phìn đã chuyển đổi hình thức làm du lịch. Từ việc phát triển du lịch sinh thái, cộng đồng nay chuyển sang hình thức canh nông bằng việc sản xuất và phân phối các đặc sản Tây Bắc, thuốc và lá tắm người Dao…
Hay như tại Lâm Đồng, các trang trại công nghệ cao sản xuất rau, hoa, quả cũng nhận được sự hỗ trợ của các sàn thương mại điện tử trong việc đóng gói, vận chuyển và đẩy mạnh truyền thông bán hàng. Các sản phẩm nông sản này luôn được khai thác trực tiếp từ vườn trồng của hợp tác xã, hộ kinh doanh để có mức giá tốt nhất cho người mua và đem lại lợi nhuận cho người bán. Những hoạt động này góp phần lan tỏa văn hóa vùng miền, từ đó để lại ấn tượng tốt cho khách hàng và là một cách để quảng bá, thu hút du khách trở lại sau khi dịch bệnh được kiểm soát.
Trung tâm Thông tin du lịch