Du lịch Việt Nam một năm vượt khó, tạo đà cho chu kỳ tăng trưởng mới
Giai đoạn từ giữa năm 2014 đến giữa năm 2015, du lịch Việt Nam đã phải đối mặt với những khó khăn chưa từng có, gây ra tác động bất lợi kéo dài. Khách quốc tế đến Việt Nam liên tục sụt giảm do tác động từ bối cảnh bất ổn và khó khăn về kinh tế trong khu vực và trên thế giới. Khách quốc tế từ hầu hết các thị trường nguồn quan trọng đều giảm, nhất là Trung Quốc vốn là thị trường khách lớn nhất của Việt Nam, và Nga là thị trường mới nổi đạt tăng trưởng mạnh trong những năm qua.
Trong năm 2015, về cơ bản, lượng khách quốc tế đến Việt Nam qua các tháng có xu hướng đi theo hình parabol trũng như trong biểu đồ 1, với đáy parabol rơi vào tháng 6 khi lượng khách chỉ đạt 529.445 lượt. Lượng khách có xu hướng giảm dần trong nửa đầu năm và tăng dần trong nửa cuối năm. Điều này một phần do tính mùa vụ, nhưng mặt khác thể hiện kết quả triển khai các chính sách kích cầu, thu hút khách của Ngành sẽ được phân tích ở phần sau.
Nhìn vào biểu đồ 2 về tốc độ tăng trưởng khách quốc tế theo tháng trong năm 2015 so với cùng kỳ năm 2014, có thể thấy sự sụt giảm liên tục trong 6 tháng đầu năm, nối tiếp đà sụt giảm từ những tháng cuối năm 2014. Trong khi nửa cuối năm 2015 chứng kiến sự hồi phục khi từ tháng 7 khách quốc tế đến đã tăng trưởng trở lại, thậm chí đạt tăng trưởng hai con số trong 3 tháng cuối năm. Đặc biệt, thị trường khách Hàn Quốc tăng trưởng tới 31,3% trong cả năm, lần đầu tiên vượt qua mốc 1 triệu khách. Sự hồi phục mạnh mẽ này đã góp phần kéo tổng số khách quốc tế đến Việt Nam trong năm 2015 đạt trên 7,9 triệu lượt, tăng nhẹ 0,9% so với năm trước.
Cùng với sự phục hồi của khách quốc tế đến, khách du lịch nội địa trong năm 2015 đạt tới 57 triệu lượt, trong khi tổng thu từ khách du lịch đạt 337.830 tỷ đồng, cao nhất từ trước tới nay.
Dấu ấn về chính sách
Trong bối cảnh đó, ngành Du lịch đã nhận được sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt và kịp thời của Đảng và Nhà nước. Liên tục các nghị quyết và chỉ thị của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ được ban hành để tháo gỡ khó khăn cho du lịch. Ngày 8/12/2014, Chính phủ ban hành Nghị quyết 92/NQ-CP về một số giải pháp đẩy mạnh phát triển du lịch Việt Nam trong thời kỳ mới; Ngày 01/06/2015, Chính phủ ban hành Nghị quyết 39/NQ-CP về việc miễn thị thực có thời hạn đối với công dân nước Cộng hòa Belarus; Ngày 18/06/2015, Chính phủ ban hành Nghị quyết 46/NQ-CP về việc miễn thị thực có thời hạn đối với công dân các nước: Vương quốc Anh, Cộng hòa Pháp, Cộng hòa Liên bang Đức, Vương quốc Tây Ban Nha, Cộng hòa Italia; Ngày 02/07/2015, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 14/CT-TTg về việc tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước, tập trung khắc phục yếu kém, thúc đẩy phát triển du lịch; Ngày 24/09/2015, Chính phủ ban hành Nghị định số 82/2015/NĐ-CP quy định về việc miễn thị thực cho người Việt Nam định cư ở nước ngoài và người nước ngoài là vợ, chồng, con của người Việt Nam định cư ở nước ngoài hoặc của công dân Việt Nam…; trong nghị quyết các phiên họp thường kỳ Chính phủ cũng thường xuyên đề cập đến lĩnh vực du lịch.
Ban Chỉ đạo Nhà nước về du lịch đã chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương tăng cường phối hợp với ngành Du lịch để xây dựng và triển khai các chính sách hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy du lịch phát triển; đồng thời tổ chức 4 đoàn công tác đi làm việc tại 9 địa phương, trong đó Trưởng Ban Chỉ đạo, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã trực tiếp chủ trì đoàn công tác đầu tiên làm việc tại Hải Phòng và Quảng Ninh.
Nhận thức về du lịch đã có sự chuyển biến rõ rệt, nhiều Bộ ngành ở Trung ương từ đồng thuận ủng hộ cho phát triển du lịch đã chủ động chỉ đạo các đơn vị trực thuộc triển khai các hoạt động tháo gỡ các rào cản liên quan đến du lịch, nhất là liên quan đến việc đảm bảo môi trường du lịch, tạo điều kiện thuận lợi thu hút khách. Nhiều địa phương, đặc biệt là các địa bàn du lịch trọng điểm đã đưa nhiệm vụ đẩy mạnh phát triển du lịch trở thành một trong những nội dung tại Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp.
Cùng với việc chủ động đề xuất, tham mưu Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành các văn bản chính sách điểm trúng những nút thắt đang hạn chế du lịch, Tổng cục Du lịch đã thể hiện vai trò nhạc trưởng trong điều phối các hoạt động liên kết các cơ quan quản lý du lịch địa phương, doanh nghiệp du lịch triển khai các chương trình hành động của Ngành, đặc biệt là triển khai các nội dung chỉ đạo trong Nghị quyết 92/NQ-CP và Chỉ thị 14/CT-TTg.
Ngay sau khi Chính phủ ban hành các Nghị quyết về việc miễn thị thực cho công dân 6 nước châu Âu (Anh, Pháp, Italia, Đức, Tây Ban Nha và Belarus), Tổng cục Du lịch đã làm việc với Đại sứ quán các nước trên tại Việt Nam để thông tin về chính sách miễn thị thực, qua đó tiếp tục quảng bá rộng rãi tới nhân dân và doanh nghiệp nước bạn. Đồng thời, Tổng cục Du lịch đẩy mạnh công tác xúc tiến, quảng bá du lịch ở trong và ngoài nước với nhiều đổi mới về phương thức tổ chức, nâng cao tính chuyên nghiệp, sáng tạo, huy động được nhiều nguồn lực cùng tham gia, trong đó tập trung vào các thị trường trọng điểm và thị trường được miễn thị thực; tổ chức đón hàng loạt các đoàn famtrip, presstrip quốc tế vào Việt Nam; đẩy mạnh e-marketing.
Công tác truyền thông được đổi mới với nhiều chuỗi sự kiện, tạo ra những hiệu ứng và kết quả tích cực, góp phần quan trọng thu hút khách. Một điểm mới trong công tác xúc tiến quảng bá là năm nay Tổng cục Du lịch đã tổ chức họp báo thông tin về chính sách, sản phẩm du lịch tại một số điểm trung chuyển khách lớn nhất trong khu vực châu Á như Hồng Kông, Singapore để thu hút dòng khách đến từ nước thứ ba qua các điểm trung chuyển này.
Dù chính sách miễn thị thực mới được ban hành nhưng với những động thái quyết liệt và kịp thời của ngành Du lịch trong việc quảng bá thu hút khách, hiệu quả chính sách đã thực sự đi vào thực tiễn; số lượng khách quốc tế từ 6 thị trường trên đều có sự tăng trưởng, trong đó khách từ thị trường Tây Ban Nha và Italia đều tăng trên 10% so với năm 2014.
Bên cạnh đó, việc phát động và thực hiện tốt cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên du lịch Việt Nam” của Bộ VHTTDL đã góp phần khuyến khích thị trường du lịch nội địa tăng trưởng tốt, đạt tới 57 triệu lượt trong năm nay.
Sự vươn lên của các doanh nghiệp
Năm 2015 đầy khó khăn thách thức nhưng cũng chứng kiến những nỗ lực to lớn của các doanh nghiệp du lịch, phát triển cả về chất lượng và số lượng. Nhiều doanh nghiệp đã có những bứt phá trong đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, mở rộng quy mô và phạm vi hoạt động, kiểm soát chất lượng dịch vụ, khẳng định thương hiệu, nâng cao chất lượng nhân lực, tăng cường liên kết, kịp thời chuyển hướng thị trường trước những tác động bất lợi của tình hình.
Hiện nay, cả nước có 1.573 doanh nghiệp lữ hành quốc tế, trong khi năm 2007 mới chỉ có 670 doanh nghiệp, năm 2010 có 909 doanh nghiệp. Đặc biệt, lĩnh vực lưu trú du lịch có sự tăng trưởng bứt phá, nhất là cơ sở lưu trú hạng cao cấp. Sự ra đời của nhiều cơ sở lưu trú 4-5 sao đạt tiêu chuẩn quốc tế của một số nhà đầu tư chiến lược như Vingroup, Sungroup, FLC, Mường Thanh… đã góp phần rất quan trọng nâng cao chất lượng và năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam. Trong ngày 28 và 29/10/2015, Tổng cục Du lịch đã ra quyết định công nhận 4 khách sạn đạt tiêu chuẩn 5 sao có quy mô lớn, bao gồm Khu nghỉ dưỡng FLC Sầm Sơn với tổng số 520 phòng, Khách sạn Mường Thanh Nha Trang Centre với tổng số 458 phòng, Khách sạn Best Western Premier Havana Nha Trang với tổng số 750 phòng, Khu nghỉ dưỡng Vinpearl Nha Trang Bay Resort & Villa với tổng số 1.011 phòng. Riêng số phòng của 4 khách sạn này đã chiếm trên 10% trong tổng số phòng phân khúc khách sạn 5 sao trong cả nước, cho thấy sức tăng trưởng đột phá của lĩnh vực cơ sở lưu trú trong năm qua.
Xu hướng phát triển này phù hợp với quan điểm, định hướng trong Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 là “phát triển theo chiều sâu, đảm bảo chất lượng và hiệu quả, khẳng định thương hiệu và năng lực cạnh tranh”. Đến nay, cả nước có 18.800 cơ sở lưu trú với trên 355.000 buồng, trong đó có 91 cơ sở 5 sao với 24.212 buồng, 215 khách sạn 4 sao với 27.379 buồng, 441 khách sạn 3 sao với 30.737 buồng (trong khi năm 2007 cả nước mới chỉ có 9.000 cơ sở lưu trú với 180.051 buồng; năm 2010 có 12.000 cơ sở lưu trú với 235.000 buồng). Hệ thống khách sạn cao sao này sẽ là cơ sở quan trọng để hướng tới thu hút và phục vụ đối tượng khách chất lượng, chi tiêu cao như trong định hướng phát triển thị trường mục tiêu của Ngành.
Tín hiệu về một chu kỳ tăng trưởng mới
Giai đoạn sụt giảm khách từ giữa năm 2014 đến giữa năm 2015 là thời gian khó khăn chưa từng có tiền lệ đối với ngành Du lịch, đặt ra nhiều vấn đề cần suy nghĩ về dự báo và ứng phó với tình hình, về cơ chế chính sách tạo điều kiện cho du lịch, về nâng cao năng lực cạnh tranh, về phát huy vai trò của doanh nghiệp…
Trong bối cảnh khó khăn đó, có thể nói Du lịch Việt Nam đã biến thách thức thành cơ hội với sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Nhà nước về du lịch, sự nỗ lực của toàn Ngành, sự phối kết hợp của các Bộ, ngành liên quan, sự quan tâm của toàn xã hội. Những nỗ lực đó không chỉ mang lại sức mạnh tổng hợp chặn đà sụt giảm, khôi phục tăng trưởng khách du lịch, mà còn gợi ra nhiều ý tưởng về con đường phát triển trong tương lai. Những bài học kinh nghiệm đúc rút được trong thời gian vừa qua thực sự đáng quý và cần thiết để vận dụng trong chặng đường tiếp theo.
Vừa qua, Tổng cục Du lịch đã trình Bộ VHTTDL để trình Chính phủ xem xét các vấn đề mang tính then chốt nhằm tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho Ngành, bao gồm: (1) thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch Việt Nam; (2) Đề xuất chính sách giảm thuế sử dụng đất và tiền thuê đất đối với các cơ sở lưu trú, khu du lịch sử dụng nhiều diện tích đất cho không gian, cảnh quan. Và tới đây sẽ tiếp tục tham mưu Bộ VHTTDL trình Chính phủ: (3) Đề xuất các chính sách tăng cường hiệu quả quảng bá, xúc tiến du lịch, xây dựng sản phẩm mới và nâng cao chất lượng dịch vụ, năng lực cạnh tranh; (4) Đề xuất phương án miễn thị thực cho công dân một số quốc gia đến Việt Nam du lịch qua chương trình du lịch trọn gói cho các doanh nghiệp lữ hành quốc tế tổ chức; (5) Xây dựng tiêu chí đánh giá, xếp hạng điểm đến du lịch; (6) Xây dựng dự thảo Luật Du lịch (sửa đổi) trình Quốc hội xem xét, thông qua – coi đây là một nhiệm vụ trọng tâm của ngành Du lịch trong năm 2016, nhằm tạo nền tảng pháp lý quan trọng cho phát triển du lịch trong giai đoạn mới.
Lượng khách quốc tế đến đã tăng trưởng trở lại, lượng khách du lịch nội địa và tổng thu từ khách du lịch tiếp tục tăng mạnh. Hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch được nâng tầm, cả về số lượng và chất lượng, sự xuất hiện của nhiều thương hiệu mang đẳng cấp quốc tế. Hệ thống cơ chế, chính sách cho du lịch ngày càng được hoàn thiện. Nhận thức của các Bộ, ngành, địa phương và cộng đồng về phát triển du lịch được nâng lên. Tư duy về vai trò của doanh nghiệp ngày càng được đổi mới, coi doanh nghiệp đóng vai trò then chốt trong phát triển du lịch. Từ đây, có thể nhìn thấy tín hiệu lạc quan về một chu kỳ tăng trưởng mới. Cùng với phát huy những kết quả đạt được, trong thời gian tới, ngành Du lịch cần tiếp tục tập trung cải thiện môi trường du lịch, đa dạng hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch.
Năm 2015 cũng là năm cuối cùng trong thực hiện kế hoạch 5 năm phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2011-2015 và bước vào thực hiện kế hoạch giai đoạn 2016-2020. Tin tưởng rằng, qua một năm vượt cam go thành công cùng với những nỗ lực không ngừng nghỉ trong suốt những năm qua, Du lịch Việt Nam sẽ bước vào thời kỳ mới với niềm tin và nghị lực để tiếp tục khắc phục những khó khăn, hạn chế, kiên trì đi theo con đường phát triển bền vững và chất lượng, đưa du lịch cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn vào năm 2020./.
Truyền Phương