Khái quát phát triển Du lịch Việt Nam giai đoạn 2010-2015
Bổ sung, hoàn thiện cơ chế chính sách tạo đà cho du lịch phát triển
Thời gian qua ngành Du lịch đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của toàn xã hội, từ Chính phủ, các bộ ngành, địa phương cho đến người dân trên cả nước. Qua đó hệ thống cơ sở pháp lý của ngành đã từng bước được xây dựng và hoàn thiện. Luật Du lịch đã được Quốc hội thông qua tháng 6/2005 trên cơ sở kế thừa Pháp lệnh Du lịch, có hiệu lực từ ngày 01/01/2006. Qua 10 năm triển khai thực hiện, để đáp ứng nhu cầu phát triển trong giai đoạn mới, tạo hành lang pháp lý thuận lợi nhất cho sự phát triển của Ngành, Tổng cục Du lịch đang tập trung hoàn thiện Luật Du lịch (sửa đổi) trình Quốc hội xem xét. Tổng cục Du lịch cũng đang xây dựng và trình Chính phủ, Bộ Chính trị Đề án phát triển du lịch Việt Nam trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Gần đây, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã ban hành các nghị quyết và chỉ thị nhằm tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước, tháo gỡ khó khăn cho ngành Du lịch như Nghị quyết 92/NQ-CP ngày 8/12/2014 về một số giải pháp đẩy mạnh phát triển du lịch Việt Nam trong thời kỳ mới; Chỉ thị số 14/CT-TTg ngày 18/06/2015 về việc tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước, tập trung khắc phục yếu kém, thúc đẩy phát triển du lịch…
Chính phủ đang từng bước tháo gỡ những hạn chế về chính sách visa, tạo thuận lợi để thu hút khách bằng việc ban hành Nghị quyết 39/NQ-CP ngày 01/06/2015 về việc miễn thị thực có thời hạn đối với công dân nước Cộng hòa Belarus; Nghị quyết 46/NQ-CP ngày 18/06/2015 về việc miễn thị thực có thời hạn đối với công dân các nước: Anh, Pháp, Đức, Tây Ban Nha, Italia và tiếp tục được gia hạn 01 năm (đến 30/6/2017) bằng Nghị quyết 56/NQ-CP của Chính phủ ban hành ngày 30/6/2016. Đồng thời triển khai áp dụng miễn thị thực cho người Việt Nam định cư ở nước ngoài và người nước ngoài là vợ, chồng, con của người Việt Nam định cư ở nước ngoài hoặc của công dân Việt Nam bằng việc ban hành Nghị định số 82/2015/NĐ-CP ngày 24/9/2015.
Đóng góp của ngành Du lịch ngày càng cao trong nền kinh tế quốc dân
Kết quả đạt được trong giai đoạn 2010-2015, khách quốc tế đến duy trì đà tăng trưởng trung bình hàng năm cao hơn so với giai đoạn 2006 – 2010 (9,48% so với 8,95%). Năm 2015, ngành Du lịch đã đón trên 7,94 triệu lượt khách quốc tế, tăng 1,57 lần so với năm 2010 là 5,05 triệu; khách du lịch nội địa đạt 57 triệu lượt, tăng hơn 2 lần so với 28 triệu lượt của năm 2010; tổng thu từ khách du lịch đạt 338.000 tỷ đồng, tăng hơn 3,5 lần so với 96.000 tỷ đồng của năm 2010. Theo Báo cáo tác động kinh tế của ngành Du lịch của Hội đồng du lịch và lữ hành thế giới (WTTC), năm 2015 đóng góp của du lịch Việt Nam xếp hạng 40 thế giới; về giá trị tương đối (tỷ lệ đóng góp trong GDP), du lịch Việt Nam xếp hạng 55 trên thế giới. Theo Tổng cục Thống kê, trong 5 năm 2011-2015, xuất khẩu dịch vụ du lịch chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng kim ngạch xuất khẩu dịch vụ của nước ta, trong khoảng 67-71% (năm 2015 tính sơ bộ khoảng 7,3 tỷ đô-la Mỹ).
Đẩy mạnh liên kết trong phát triển sản phẩm du lịch
Trong giai đoạn toàn ngành đã tập trung khai thác, đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, dựa trên 4 dòng sản phẩm chủ đạo là du lịch biển đảo, du lịch văn hóa, du lịch gắn với thiên nhiên và du lịch thành phố. Việc liên kết đầu tư phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng theo 7 vùng (Vùng Trung du và miền núi Bắc bộ, Vùng Đồng bằng sông Hồng và duyên hải Đông Bắc, Vùng Bắc Trung bộ, Vùng duyên hải Nam Trung bộ, Vùng Tây Nguyên, Vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Vùng Đông Nam bộ) được chú trọng trong thời gian qua, tạo ra sự độc đáo, khác biệt và thu hút được nhiều du khách trong nước và quốc tế. Từng bước hình thành rõ hơn các vùng động lực phát triển của du lịch Việt Nam, bao gồm: Hà Nội – Quảng Ninh – Hải Phòng – Ninh Bình; Quảng Bình -Thừa Thiên Huế – Đà Nẵng – Quảng Nam; Khánh Hòa – Lâm Đồng; Bình Thuận – Bà Rịa-Vũng Tàu – Thành phố Hồ Chí Minh – Kiên Giang (Phú Quốc). Việc liên kết hỗ phát triển sản phẩm du lịch giữa các địa phương được thực hiện trên nguyên tắc phát triển du lịch bền vững, triển khai đồng bộ và thiết thực hơn, góp phần tạo hiệu ứng lan tỏa giữa các vùng và các địa phương. Phát triển du lịch cộng đồng được ưu tiên phát triển trên cơ sở khai thác những giá trị, bản sắc văn hóa của mỗi địa phương được triển khai rộng khắp trên toàn quốc, tạo việc làm ổn định cho bà con các dân tộc, góp phần xóa đói, giảm nghèo.
Cơ sở vật chất kỹ thuật từng bước được đầu tư nâng cấp theo hướng hiện đại
Sự phát triển mạnh mẽ của hệ thống cơ sở hạ tầng hàng không, đường bộ và các cảng biển cùng với sự phát triển của hệ thống cơ sở vật chất ngành Du lịch đã góp phần kết nối điểm đến du lịch Việt Nam và quốc tế. Tốc độ tăng trưởng trung bình về lưu lượng hành khách qua các cảng hàng không tăng 16%/năm trong giai đoạn 2005-2015; đạt 63 triệu lượt năm 2015, tăng 24,3% so với năm 2014. Việt Nam hiện có 52 hãng hàng không quốc tế đến từ 25 quốc gia và vùng lãnh thổ, với 54 đường bay quốc tế kết nối với Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Nha Trang… Bên cạnh đó, phải kể đến sự tham gia vào thị trường hàng không của các hãng hàng không giá rẻ như AirAsia Berhad, Jetstar Asia, Tiger Airways, Thai AirAsia, Cebu Pacific, Lion Air, Indonesia AirAsia… đã đem lại cơ hội đi du lịch thuận lợi cho du khách. Với 48 đường bay nội địa hiện nay đã kết nối chặt chẽ các điểm đến du lịch trong nước tương đối dễ dàng. Hệ thống đường bộ cao tốc được xây dựng và nâng cấp trong cả nước, nâng cao khả năng kết nối và liên kết phát triển du lịch giữa các vùng và các địa phương, đem lại sự thuận tiện cho du khách.
Du lịch phát triển còn thu hút mạnh mẽ các nguồn lực đầu tư của xã hội cho hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật của ngành. Đặc biệt là sự xuất hiện ngày càng nhiều các tập đoàn đầu tư chiến lược trong nước như VinGroup, SunGroup, Mường Thanh, FLC, BIM, Tuần Châu… xây dựng các khu vui chơi giải trí, khách sạn có quy mô và chất lượng mang tầm quốc tế tại các địa bàn du lịch trọng điểm như Hạ Long, Đà Nẵng, Phú Quốc, Nha Trang và hơn 30 tỉnh/thành trong cả nước tạo ra động lực và đòn bẩy cho sự phát triển du lịch của điểm đến. Sự đầu tư đó đã từng bước hình thành hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch hiện đại, đồng bộ tại nhiều địa phương trong cả nước, nâng cao năng lực cạnh tranh, từng bước khẳng định thương hiệu du lịch Việt Nam theo hướng chất lượng.
Cùng với đó là sự gia tăng không ngừng cả về số lượng và chất lượng của các doanh nghiệp lữ hành và cơ sở lưu trú. Năm 2010, cả nước có 12.352 cơ sở lưu trú với hơn 237.000 buồng thì đến hết năm 2015, cả nước có 18.800 cơ sở lưu trú với hơn 355.000 buồng, tăng khoảng 1,5 lần, tốc độ tăng trưởng trung bình trong giai đoạn 2010-2015 là 8,76%/năm về số cơ sở và 8,42%/năm về số buồng. Đáng lưu ý, trong giai đoạn 2010-2015, số lượng các khách sạn từ 3-5 sao tăng cao hơn mức tăng trung bình chung (tăng 16% đối với khách sạn 5 sao, 14% đối với khách sạn 4 sao và 13% đối với khách sạn 3 sao). Về doanh nghiệp lữ hành quốc tế, năm 2010 cả nước có 888 doanh nghiệp thì đến hết năm 2015 có 1.573 doanh nghiệp, tăng 1,77 lần, tốc độ tăng trung bình khoảng 12,1%/năm.
Hình ảnh Việt Nam ngày càng được nâng cao thông qua các hoạt động xúc tiến du lịch
Trong thời gian qua, hình ảnh du lịch quốc gia ngày càng được nâng cao, bạn bè trên thế giới càng hiểu biết hơn về đất nước và con người Việt Nam là điểm đến hấp dẫn, an toàn và thân thiện; góp phần củng cố tình hữu nghị, giao lưu văn hóa và phát triển kinh tế giữa Việt Nam với các nước. Nhiều tổ chức, website và báo chí quốc tế đã bình chọn Việt Nam là điểm đến lý tưởng hấp dẫn đối với du khách…
Nhận thức về vai trò phát triển du lịch của các cấp, các ngành và toàn xã hội chuyển biến theo hướng tích cực. Qui mô và phạm vi hoạt động xúc tiến du lịch ở trong nước và quốc tế được đầu tư mở rộng. Chất lượng hoạt động xúc tiến du lịch được cải thiện, công tác xúc tiến từng bước chuyên nghiệp hơn. Nhằm tạo đột phá cho phát triển du lịch gần đây Chính phủ đã đồng ý với chủ trương cho phép thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch trên cơ sở xã hội hóa với một phần vốn nhà nước, trong đó có mục tiêu đẩy mạnh hoạt động xúc tiến cho du lịch Việt Nam.
Hy vọng, với những kết quả đã đạt được trong thời gian qua cùng với sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt của Đảng, nhà nước và sự vào cuộc mạnh mẽ của các Bộ, ngành liên quan, chính quyền các địa phương, doanh nghiệp trong cả nước, ngành Du lịch sẽ phát triển thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn trong thời gian tới./.
Thế Phi