Nghị quyết 08-NQ/TW – Hiện thực hóa mục tiêu phát triển du lịch Việt Nam trở thành ngành kinh tế mũi nhọn
Hội nghị toàn quốc về phát triển Du lịch diễn ra vào tháng 8/2016 tại TP. Hội An
(Ảnh: TITC/Quốc Hòa)
Đây là một Nghị quyết có ý nghĩa lịch sử đối với sự nghiệp phát triển du lịch. Nghị quyết thể hiện quyết tâm chính trị ở cấp cao nhất của Đảng ta nhằm phát triển du lịch trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước, thông qua nhìn nhận khả năng đóng góp của du lịch vào kinh tế – xã hội, chỉ ra những tiềm năng, thế mạnh và hạn chế yếu kém cần khắc phục, và quan trọng nhất là các giải pháp đột phá, đồng bộ, tạo sự thống nhất trong tư duy và hành động của các cấp, các ngành và toàn xã hội về phát triển du lịch.
Nghị quyết đánh giá, trong thời gian qua, du lịch Việt Nam đã có bước phát triển rõ rệt và đạt được những kết quả quan trọng. Trong đó đáng chú ý là mức tăng trưởng khách ấn tượng: trong giai đoạn từ 2001 đến 2016, lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng 4,3 lần và khách du lịch nội địa tăng 5,3 lần. Sự phát triển của ngành Du lịch đã và đang góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế và xuất khẩu tại chỗ; bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá, tài nguyên thiên nhiên; tạo nhiều việc làm, nâng cao đời sống nhân dân; đẩy mạnh quá trình hội nhập quốc tế, quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam.
Tuy nhiên, ngành Du lịch còn một số hạn chế, yếu kém, du lịch phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh và kỳ vọng của xã hội. Các nguyên nhân chủ yếu của những vấn đề vướng mắc mà ngành Du lịch đang gặp phải, dẫn đến du lịch phát triển chưa tương xứng với tiềm năng đã được nhìn nhận thẳng thắn trong Nghị quyết, đó là: Các cấp, các ngành chưa thực sự coi du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, có tính liên ngành, liên vùng, xã hội hoá và hội nhập quốc tế cao, mang nội dung văn hoá sâu sắc; Thiếu chính sách quốc gia phù hợp để du lịch phát triển theo đúng tính chất của một ngành kinh tế vận hành theo quy luật thị trường; Thể chế, chính sách phát triển du lịch chưa đáp ứng yêu cầu phát triển, vẫn còn nặng tư tưởng bao cấp; Sự phối hợp liên ngành, liên vùng hiệu quả còn thấp; Đầu tư còn dàn trải, chưa huy động được nhiều nguồn lực của xã hội cho phát triển du lịch; Công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực du lịch chưa được quan tâm đúng mức.
Chính vì vậy, với mục tiêu phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, Nghị quyết của Bộ Chính trị khẳng định 5 quan điểm cần thống nhất và quán triệt tới tất cả các cấp, các ngành và toàn xã hội, trong đó nhấn mạnh: Phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn là định hướng chiến lược quan trọng để phát triển đất nước, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển của các ngành, lĩnh vực khác. Phát triển du lịch là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành và của toàn xã hội. Cần có sự lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ của các cấp uỷ đảng; phát huy mạnh mẽ vai trò động lực của doanh nghiệp và cộng đồng dân cư, sự quản lý thống nhất của Nhà nước; tập trung nguồn lực quốc gia cho phát triển du lịch.
Nghị quyết đặt ra mục tiêu đến năm 2020, ngành du lịch cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; thu hút 17-20 triệu lượt khách du lịch quốc tế, 82 triệu lượt khách du lịch nội địa; Ðóng góp trên 10% GDP, tổng thu từ khách du lịch đạt 35 tỷ USD; Giá trị xuất khẩu thông qua du lịch đạt 20 tỷ USD; Tạo ra 4 triệu việc làm, trong đó có 1,6 triệu việc làm trực tiếp. Phấn đấu đến năm 2030, du lịch Việt Nam thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn, thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của các ngành, lĩnh vực khác. Việt Nam thuộc nhóm các nước có ngành du lịch phát triển hàng đầu khu vực Đông Nam Á.
***
Để giải quyết căn cơ các vướng mắc, khó khăn của ngành Du lịch, Nghị quyết tập trung vào 8 nhóm giải pháp cốt lõi.
Giải pháp quan trọng đầu tiên được đưa ra là đổi mới nhận thức, tư duy về phát triển du lịch, cần “Nhận thức rõ du lịch là ngành kinh tế dịch vụ tổng hợp, có tính liên ngành, liên vùng, xã hội hoá cao và nội dung văn hoá sâu sắc; có khả năng đóng góp lớn vào phát triển kinh tế, tạo nhiều việc làm, chuyển dịch cơ cấu kinh tế và tạo động lực cho các ngành, lĩnh vực khác phát triển, đem lại hiệu quả nhiều mặt về kinh tế, văn hóa, xã hội, chính trị, đối ngoại và an ninh, quốc phòng. Đổi mới mạnh mẽ tư duy, phát triển du lịch theo quy luật kinh tế thị trường, bảo đảm nhất quán từ quan điểm, mục tiêu, chương trình hành động và có thể chế, chính sách đột phá, đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn. Nâng cao ý thức của người dân, doanh nghiệp và cộng đồng trong xây dựng, bảo vệ hình ảnh, môi trường, góp phần phát triển bền vững, không ngừng nâng cao uy tín, thương hiệu và sức thu hút của du lịch Việt Nam”.
Thứ hai là cơ cấu lại ngành Du lịch bảo đảm tính chuyên nghiệp, hiện đại và phát triển bền vững theo quy luật của kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế. Nghị quyết nêu rõ “Hoàn thiện cơ cấu ngành du lịch, bảo đảm phát triển đồng bộ trong tổng thể phát triển của nền kinh tế quốc dân. Rà soát, điều chỉnh chiến lược và quy hoạch phát triển du lịch theo hướng tập trung nguồn lực xây dựng các khu vực động lực phát triển du lịch”, và đề ra những ưu tiên trong quá trình tái cơ cấu ngành du lịch: phát triển kết cấu hạ tầng du lịch; liên kết chuỗi giá trị đầu vào của các ngành; tập trung phát triển các dòng sản phẩm chủ đạo có sức hấp dẫn và khả năng cạnh tranh cao; nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ du lịch; đổi mới phương thức và nâng cao hiệu quả hoạt động xúc tiến quảng bá; đảm bảo môi trường du lịch an toàn, văn minh.
Thứ ba, về nhóm giải pháp hoàn thiện thể chế, chính sách, Nghị quyết xác định nhiệm vụ xây dựng “cơ chế, chính sách phù hợp và đột phá để phát triển du lịch thành kinh tế mũi nhọn, đáp ứng yêu cầu, tính chất của ngành kinh tế tổng hợp, hoạt động theo cơ chế thị trường”, “cơ chế, chính sách huy động tối đa nguồn lực xã hội để đầu tư phát triển du lịch”. Trước mắt, điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện các chính sách trực tiếp liên quan đến phát triển du lịch. Trong đó có những điểm đáng chú ý như chính sách tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp du lịch (điều chỉnh giá điện, thuế sử dụng đất và tiền thuê đất); Chính sách tạo thuận lợi và đơn giản về thủ tục thị thực nhập cảnh cho khách du lịch quốc tế đến Việt Nam; Thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch; Ban hành các chính sách khuyến khích, ưu đãi đầu tư du lịch và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực du lịch. Nhà nước ưu tiên bố trí vốn cho công tác xây dựng quy hoạch, đào tạo nguồn nhân lực, quảng bá xúc tiến. Đặc biệt, đối với những vấn đề cấp bách cần triển khai ngay để tạo đột phá cho du lịch phát triển, nếu chưa có văn bản pháp luật quy định hoặc có quy định khác thì cho thực hiện thí điểm.
Thứ tư, Nghị quyết khẳng định cần đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật ngành du lịch, trong đó dành nguồn lực thích hợp từ ngân sách nhà nước đầu tư phát triển hạ tầng giao thông; đầu tư các điểm dừng, nghỉ trên các tuyến du lịch đường bộ. Đẩy mạnh mở cửa bầu trời, thực hiện thương quyền 5 về hàng không; tạo điều kiện cho các hãng hàng không mở các đường bay mới kết nối Việt Nam tới các thị trường nguồn. Tập trung đầu tư một số cảng biển và cảng thuỷ nội địa chuyên dùng. Cải thiện hạ tầng và chất lượng dịch vụ đường sắt phục vụ khách du lịch. Tăng cường thu hút các nguồn lực xã hội đầu tư phát triển hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật ngành du lịch.
Thứ năm, về tăng cường xúc tiến quảng bá du lịch, cần đổi mới cách thức, nội dung, nâng cao hiệu quả xúc tiến quảng bá du lịch trong và ngoài nước. Định vị thương hiệu du lịch Việt Nam với hình ảnh chủ đạo, độc đáo, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc. Kết hợp sử dụng hiệu quả nguồn lực của nhà nước và nguồn xã hội hóa trong hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch. Nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cơ quan liên quan và cộng đồng doanh nghiệp trong công tác xúc tiến quảng bá du lịch. Phát huy vai trò của các cơ quan truyền thông, tạo đột phá trong hoạt động xúc tiến quảng bá thị trường trong nước, kết hợp với nâng cao nhận thức về vai trò, vị trí ngành Du lịch.
Thứ sáu, Nghị quyết nhấn mạnh cần đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, minh bạch, bình đẳng, thuận lợi cho doanh nghiệp kinh doanh du lịch. Khuyến khích doanh nghiệp đổi mới, sáng tạo, đa dạng hoá các loại hình, sản phẩm du lịch phù hợp với định hướng cơ cấu lại ngành Du lịch. Hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp kinh doanh du lịch, đặc biệt ở những địa phương vùng sâu, vùng xa. Chú trọng bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ cho các doanh nghiệp du lịch; xử lý nghiêm hành vi cạnh tranh thiếu lành mạnh.
Thứ bảy, về phát triển nguồn nhân lực du lịch, nhà nước có chính sách thu hút đầu tư cho đào tạo nguồn nhân lực du lịch; tăng cường năng lực cho các cơ sở đào tạo du lịch. Đẩy mạnh xã hội hoá và hợp tác quốc tế, thu hút nguồn lực phát triển nguồn nhân lực du lịch. Đa dạng hoá các hình thức đào tạo du lịch. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học – công nghệ tiên tiến trong đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực du lịch. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cả về quản lý nhà nước, quản trị doanh nghiệp và lao động nghề du lịch. Chú trọng nâng cao kỹ năng nghề, ngoại ngữ và đạo đức nghề nghiệp cho lực lượng lao động ngành Du lịch. Hoàn thiện bộ tiêu chuẩn nghề quốc gia về du lịch tương thích với các tiêu chuẩn trong ASEAN; thành lập Hội đồng nghề du lịch quốc gia và Hội đồng cấp chứng chỉ nghề du lịch.
Thứ tám, Nghị quyết nêu nhóm giải pháp về tăng cường năng lực và hiệu quả quản lý nhà nước về du lịch. Trong đó, cần hoàn thiện hệ thống pháp luật về du lịch và các lĩnh vực liên quan để tạo điều kiện cho phát triển du lịch; hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia trong lĩnh vực du lịch theo hướng hội nhập khu vực và quốc tế; nâng cao chất lượng công tác quy hoạch phát triển du lịch.
Kiện toàn bộ máy quản lý nhà nước về du lịch theo hướng đồng bộ, chuyên nghiệp, hiệu lực và hiệu quả, đáp ứng yêu cầu quản lý liên ngành, liên vùng của hoạt động du lịch; phát huy vai trò của Ban Chỉ đạo nhà nước về du lịch. Nâng cao năng lực, trách nhiệm và quyền hạn của Tổng cục Du lịch. Thành lập sở du lịch tại các địa phương có điều kiện phát triển du lịch theo nguyên tắc không tăng thêm biên chế. Đồng thời, nghiên cứu xác định mô hình, hệ thống tổ chức, quản lý ngành Du lịch đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch trong tình hình mới.
***
Năm 2016 đánh dấu bước phát triển mạnh mẽ của du lịch Việt Nam: thu hút hơn 10 triệu lượt khách du lịch quốc tế, đạt 2 mốc quan trọng là tổng lượng khách nhiều nhất trong một năm và mức tăng tuyệt đối trong một năm nhiều nhất so với năm trước (trên 2 triệu lượt khách); phục vụ 62 triệu lượt khách du lịch nội địa; tổng thu từ khách du lịch đạt 400.700 tỷ đồng, tăng 18,6% so với năm 2015. Đây là một tín hiệu khả quan, tạo tiền đề vững chắc, là thời điểm thích hợp để đặt quyết tâm hiện thực hóa mục tiêu phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Nhìn lại chặng đường gần 20 năm qua từ khi có Thông báo kết luận số 179-TB/TW ngày 11/11/1998 của Bộ Chính trị về “Phát triển du lịch trong thời kỳ mới”, ngành Du lịch Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn, hành lang pháp lý cho du lịch dần được hoàn thiện, quản lý nhà nước về du lịch được nâng cao, lượng khách quốc tế và nội địa tăng lên nhiều lần, kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật ngày càng được hoàn thiện, nguồn thu từ du lịch ngày càng tăng, du lịch ngày càng khẳng định vai trò đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Đến nay, khi đất nước đang bước vào một nhiệm kỳ mới với những kỳ vọng và quyết tâm cao, ngành Du lịch đang đứng trước một cơ hội lịch sử được kỳ vọng sẽ hội tụ sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội phát triển du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Hồng Nhung