Số hóa di tích gắn với phát triển du lịch ở Thái Nguyên: Xu thế của tương lai
Cùng với xã Sảng Mộc (Võ Nhai) và La Bằng (Đại Từ), Ban Quản lý Khu di tích ATK Định Hóa (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thái Nguyên) đã thực hiện thí điểm chương trình chuyển đổi số của tỉnh. Cuối tháng 11/2020, Đoàn công tác của Cục Tin học hóa, Sở Thông tin và Truyền thông và Công ty TNHH IOTLink (IOTLink) đã tổ chức khảo sát số hóa 2D toàn bộ huyện Định Hóa và số hóa 3D khu vực chính lên bản đồ 3D triển khai ảo hóa (VR) một số khu vực chính (18 điểm) của ATK Định Hóa. Trong tháng 3, các đơn vị đã tổ chức chuyển giao và hoàn thiện các thủ tục cài đặt phần mềm trên hạ tầng máy chủ và tên miền của Ban Quản lý Khu di tích ATK Định Hóa. Hiện, Ban Quản lý Khu di tích đã thực hiện phần mềm du lịch thông minh hỗ trợ thực hiện chuyển đổi số, địa chỉ truy cập bản đồ số 2D, 3D và VR 360 Di tích ATK Định Hóa là: https://atk.vimap.vn/. Theo đó, công nghệ thực tế ảo và video 3600 đã được ứng dụng lên 16 điểm di tích. Trên 100 điểm di tích cũng đã được định vị, số hóa bằng bản đồ 2D. Các đơn vị liên quan cũng đã phối hợp với Ban Quản lý Khu di tích thực hiện tích hợp và triển khai bản đồ tra cứu. Đồng thời tổ chức đào tạo, hướng dẫn và vận hành phần mềm cho cán bộ, nhân viên Ban Quản lý Khu di tích.
Ứng dụng công nghệ vào việc bảo tồn và phát huy giá trị các di tích lịch sử ATK, gắn với phát triển du lịch hiện nay chính là “cây cầu” kết nối các thế hệ trong việc bảo tồn, lưu giữ di tích của cha ông gắn với phát triển kinh tế từ du lịch và giáo dục truyền thống cách mạng. Có thể thấy rõ điều này trong giai đoạn dịch COVID-19 bùng phát. Khi cả nước trong giai đoạn thực hiện lệnh giãn cách xã hội, rất nhiều người đã ở nhà và thỏa mãn nhu cầu đi du lịch của mình thông qua các trang du lịch trực tuyến, tham quan và tương tác 360o với các di tích. Theo địa chỉ tên miền: https://atk.vimap.vn/ du khách truy cập trang web, nắm bắt tổng quan về di tích, chỉ cần gõ tên điểm đến là sẽ được chỉ đường đến nơi. Chỉ cần nhấn lựa chọn di tích cần tìm hiểu du khách sẽ đọc được những lời giới thiệu khái quát nhất. Xem vitural 3600, du khách cũng được nhìn ngắm công nghệ thực tế ảo và video 3600 chân thực về di tích ở các góc nhìn.
Đồng chí Bùi Huy Toàn, Trưởng Ban quản lý Khu di tích ATK Định Hóa cho biết: Việc ứng dụng du lịch thực tế ảo là một bước tiến của ngành du lịch, là cơ hội quảng bá theo phương thức mới phù hợp với xu thế phát triển hiện nay. Tuy nhiên, đơn vị đang gặp một số khó khăn là thiếu hạ tầng kỹ thuật (hệ thống máy tính, máy chủ) để có thể thuận lợi chuyển giao phần mềm. Đội ngũ cán bộ của Ban về trình độ tin học đều cơ bản có nhưng chưa có biên chế về quản lý công nghệ thông tin được đào tạo bài bản để có thể tiếp nhận, quản lý tốt phần mềm số hóa di tích. Rất mong thời gian tới được các cấp, ngành quan tâm tháo gỡ vướng mắc này để việc số hóa di tích tại ATK Định Hóa đạt được kết quả tốt hơn nữa.
Công nghệ thực tế ảo và video 3600 đã được ứng dụng lên 16 điểm di tích. Trên 100 điểm di tích cũng đã được định vị, số hóa bằng bản đồ 2D
Định Hóa vốn có tài nguyên du lịch phong phú từ du lịch lịch sử, sinh thái, văn hóa… đặc biệt khu di tích lịch sử ATK Định Hóa. Huyện còn có 5 di sản văn hóa phi vật thể được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia, với nhiều nét truyền thống độc đáo. Xác định du lịch là ngành kinh tế quan trọng, thời gian qua, Trung ương và tỉnh đã ban hành nhiều chương trình, kế hoạch đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng trên địa bàn; quyết định phê duyệt quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị khu di tích Quốc gia đặc biệt ATK Định Hóa gắn với phát triển du lịch Thái Nguyên đến năm 2030… Bên cạnh đó, nhiều hoạt động kích cầu du lịch, quảng bá du lịch, đầu tư phát triển du lịch được quan tâm và triển khai trên địa bàn tỉnh, trong đó có huyện Định Hóa. Đây là một lợi thế cho huyện phát triển du lịch nói chung và du lịch cộng đồng nói riêng. Bên cạnh đó, vừa qua, huyện Định Hóa cũng ban hành Đề án “Phát triển du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử truyền thống các dân tộc huyện Định Hóa giai đoạn 2021 – 2025”. Và một trong những giải pháp huyện đề ra thời gian tới là tiếp cận và triển khai số hóa cơ sở dữ liệu trong phát triển du lịch, bảo vệ môi trường du lịch. Cụ thể, giai đoạn 2021 – 2025 sẽ hoàn thành việc số hóa toàn bộ các dữ liệu về hướng dẫn viên du lịch, doanh nghiệp lữ hành quốc tế, cơ sở lưu trú, ăn uống, cơ sở vui chơi giải trí trong toàn huyện. Hình thành hệ thống thông tin số về khu, điểm du lịch, cơ sở dịch vụ du lịch và khách du lịch. Đồng thời ứng dụng chuyển đổi số trong kiểm soát ô nhiễm môi trường thông minh….
Với những lợi thế nói trên, chắc chắn việc thực hiện số hóa các di tích trên địa bàn ATK Định Hóa sẽ đem lại hiệu quả cao cho việc quảng bá, giới thiệu di tích cũng như tạo bước đột phá để du lịch Định Hóa nói riêng và Thái Nguyên nói chung có những bước tiến xa hơn trong thời gian tới./.
Thanh Thủy
Nguồn: thainguyen.gov.vn