Skip to content
  1. Home
  2. »
  3. CNTT và thông tin
  4. »
  5. Thừa Thiên Huế: Tham quan di tích bằng công nghệ…

Thừa Thiên Huế: Tham quan di tích bằng công nghệ QR

Ngắm nhìn tổng thể lăng vua Gia Long bằng ứng dụng QR

Tự tìm hiểu di tích

Nằm cách xa Kinh thành, lăng vua Gia Long (còn gọi là Thiên Thọ lăng) là nơi an nghỉ của vị hoàng đế đầu tiên sáng lập ra triều Nguyễn. Đến thăm lăng vua Gia Long, ngoài ngắm nhìn bức tranh phong cảnh hùng vĩ, thơ mộng, du khách còn có thể tự tìm hiểu chi tiết về giá trị lịch sử, từng công trình kiến trúc của di tích này qua công nghệ quét mã QR trên điện thoại thông minh.

Bằng công nghệ QR, du khách có thể ngắm tổng thể toàn bộ cảnh quan khu vực di tích lăng vua Gia Long từ trên cao với hình ảnh 360°. Ghé thăm Bi Đình nằm giữa không gian rừng thông, thay vì phải có thuyết minh viên mới có thể hiểu nội dung tấm bia “Thánh Đức thần công” bằng chữ Hán, thì nay, chỉ cần quét mã QR sẽ hiện ra phần phiên âm, dịch nghĩa và lời giới thiệu về lịch sử, nội dung bia. Cả tổng thể công trình kiến trúc điện Minh Thành, khu vực điện thờ không vào tham quan được cũng được giới thiệu cụ thể. Du khách có thể xem được tổng thể toàn bộ kiến trúc nội thất của điện Minh Thành, vị trí các án thờ, công năng trong điện…

Từ khi điện Thái Hòa đóng cửa trùng tu, nhiều du khách tỏ ra tiếc nuối khi không được vào tham quan ngôi điện quan trọng bậc nhất trong Hoàng thành Huế. Để giúp du khách tìm hiểu kiến trúc, giá trị lịch sử của điện Thái Hòa, “bù đắp” phần nào cho tuyến tham quan của du khách, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã xây dựng hình thức du lịch thực tế ảo đối với địa điểm này.

Khách tham quan quét mã QR tại điện Thái Hòa

Chỉ cần quét mã QR trên điện thoại thông minh, du khách có thể tham quan điện Thái Hòa bằng công nghệ 3D. Với góc nhìn 3D đa chiều xoay 360°, các bước di chuyển ngắn, liên tục và chi tiết, du khách có thể chủ động tương tác trực tiếp với không gian không giới hạn và di chuyển đến bất cứ điểm nào, mang đến cảm nhận sống động, chân thực. Hình ảnh điện Thái Hòa cũng hiện ra sắc nét, chi tiết, có giọng đọc giới thiệu thuyết minh về lịch sử, kiến trúc, giá trị của ngôi điện bằng tiếng Việt và tiếng Anh.

Sau khi tham quan điện Thái Hòa bằng công nghệ QR, chị Trần Thị Mỹ Tiên, một du khách đến từ Đồng Nai bày tỏ: “Việc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế ứng dụng công nghệ này quá tiện lợi cho du khách. Dù không được vào tham quan, không có thuyết minh viên, chúng tôi vẫn có thể tìm hiểu rõ ràng về tổng thể kiến trúc, nội thất, ngai vàng và giá trị văn hóa lịch sử của điện Thái Hòa. Đặc biệt là hệ thống thơ văn trên kiến trúc ngôi điện được dịch, giới thiệu rất chi tiết”.

Tăng tương tác, kết nối

Thời gian gần đây, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đẩy mạnh việc số hóa các công trình kiến trúc, nội dung giới thiệu thuyết minh ở các di tích thuộc Quần thể Di tích Cố đô Huế. Đầu năm nay, ứng dụng quét mã QR được triển khai ở lăng vua Gia Long, mới đây là điện Thái Hòa và sắp tới là Thế Miếu. Trong tương lai, đơn vị sẽ tiếp tục hoàn thiện công nghệ quét QR, hiển thị thông tin tại tất cả các điểm di tích nhằm cung cấp cho du khách đầy đủ các nội dung chi tiết về hiện vật.

Bà Lê Thị An Hòa, Trưởng phòng Nghiên cứu khoa học, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cho biết, bên cạnh các chú thích hiện vật theo phương thức truyền thống được bố trí từ trước, hệ thống quét mã QR được đặt bên cạnh nhằm tạo thuận tiện cho khách tra cứu thông tin. Tất cả thông tin, nội dung chi tiết của công trình, hiện vật sẽ hiện ra chỉ bằng thao tác sử dụng điện thoại thông minh để quét mã QR.

Ứng dụng công nghệ này tạo thuận lợi cho khách tham quan, nhất là khi không có hướng dẫn viên giới thiệu. Du khách có thể tìm hiểu về kiến trúc, giá trị văn hóa, lịch sử… của di tích một cách sinh động. Thuận tiện nhất là khi tìm hiểu những công trình kiến trúc lăng tẩm, văn bia, thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế bằng chữ Hán. Trước đây, những trở ngại trong việc chuyển tải nội dung hiện vật từ chữ Hán sang ngôn ngữ khác luôn là thách thức đối với công tác thuyết minh của hướng dẫn viên. Ngay cả người biết chữ Hán cũng chưa chắc hiểu chính xác ý nghĩa. Nay chỉ việc quét QR, du khách dễ dàng tìm hiểu nhờ có phiên âm, dịch nghĩa, giới thiệu nội dung, giá trị…

Tất cả các khâu triển khai ứng dụng QR đều do Phòng Nghiên cứu khoa học đảm nhiệm, từ xây dựng ý tưởng, viết nội dung, dịch sang tiếng Anh, đọc thuyết minh đến đảm bảo yêu cầu về kỹ thuật. Hầu hết các công đoạn đều được triển khai bằng điện thoại giúp tiết kiệm chi phí.

Theo ông Võ Vinh Quang, cán bộ Phòng Nghiên cứu khoa học, nội dung giới thiệu đến du khách được chú trọng chỉnh hóa, chắt lọc, đảm bảo ngắn gọn, súc tích nhưng đầy đủ thông tin cần truyền tải. Quan trọng nhất là sắp đặt ý tưởng, bố cục để xây dựng thành tour tham quan du lịch thực tế ảo. Qua đó, những người làm công tác nghiên cứu truyền tải nội dung cần giới thiệu về di tích, hiện vật, cổ vật… 

Du lịch thực tế ảo là xu thế phát triển trong tương lai. Ở nhà, du khách cũng có thể tham quan di tích hoặc nếu không có thời gian trong chuyến tham quan, khách có thể chụp lại mã QR về nhà tìm hiểu thêm. Vì vậy, ứng dụng QR của Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế là cách làm phù hợp với xu thế phát triển hiện nay. Du khách có thể chủ động tìm hiểu trong tuyến du lịch và thông tin được cung cấp là chính xác. Đây cũng là cách để Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế kích cầu phát triển du lịch sau thời gian bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

Bài, ảnh: Trang Hiền

Nguồn: Báo Thừa Thiên Huế Online – baothuathienhue.vn – Đăng ngày 23/4/2022