Skip to content
  1. Home
  2. »
  3. CNTT và thông tin
  4. »
  5. Vĩnh Long: Chuyển đổi số di sản văn hóa là…

Vĩnh Long: Chuyển đổi số di sản văn hóa là hướng đi tất yếu


Giới thiệu một số hình ảnh mẫu các di tích Vĩnh Long được giới thiệu mô hình 3D

Tại cuộc hội thảo, ông Hoàng Quốc Việt – Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Vietsoftpro, trình bày những giải pháp chuyển đổi số trong lĩnh vực di sản văn hóa của tỉnh Vĩnh Long, về những vấn đề cụ thể, những xu hướng mới trong lĩnh vực di sản văn hóa, thông qua ứng dụng chuyển đổi số.

Ngoài hình thức tham quan trực tiếp, ngày nay còn có nhiều con đường thu hút du khách thông qua tham quan trực tuyến sẽ trở thành xu thế tất yếu, lâu dài.

Đây sẽ là cầu nối đưa sản phẩm trưng bày tại bảo tàng đến gần hơn với công chúng. Đóng góp tích cực vào quá trình bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, đưa di sản văn hóa trở thành sản phẩm du lịch một cách đa dạng, hấp dẫn hơn.

Chuyển đổi số sẽ đa dạng hóa, tối ưu hóa, hỗ trợ ngành văn hóa trong công tác giới thiệu, thuyết minh và những hình thức tham quan trực tuyến sinh động. Giúp cho việc quảng bá hình ảnh bảo tàng, bảo vật, di sản đến gần hơn với nhiều địa phương, nhiều quốc gia trên không gian mạng.

Thời gian gần đây chúng ta nghe rất nhiều về những thuật ngữ: “chuyển đổi số”, “số hóa”, “ứng dụng công nghệ số”… trong tất cả các hoạt động, lĩnh vực xã hội. Tuy nhiên, ở mỗi nơi, mỗi thời điểm, nhận thức vấn đề này vẫn còn nhiều khác biệt. Do đó, việc định hướng cho hoạt động chuyển đổi số là yêu cầu cấp thiết.

Ngày 03/6/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 749, phê duyệt chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, đề ra 6 nhiệm vụ, giải pháp tạo nền móng cho chuyển đổi số, gồm: chuyển đổi nhận thức; kiến tạo thể chế; phát triển hạ tầng số; tạo lập niềm tin, bảo đảm an ninh, an toàn mạng; hợp tác quốc tế, nghiên cứu đổi mới sáng tạo trong môi trường số.

Giới thiệu quy trình số hóa di sản văn hóa

Trong lĩnh vực văn hóa, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định riêng số 1609, đề ra chiến lược phát triển đến năm 2030. Được xác định: “Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, công nghệ và chuyển đổi số trong lĩnh vực văn hóa”.

Đặc biệt, ngày 02/12/2021, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tiếp chương trình số hóa di sản văn hóa Việt Nam giai đoạn 2021 – 2030.

Trong đó, đặt mục tiêu xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về di sản văn hóa trên nền tảng công nghệ thống nhất, phục vụ công tác lưu trữ, quản lý, nghiên cứu, bảo tồn, khai thác, quảng bá di sản.

Theo ông Phạm Định Phong – Phó Cục trưởng Cục Di sản (Bộ VHTTDL), đó là những hành lang chính sách tạo thuận lợi cho hoạt động chuyển đổi số trong lĩnh vực di sản văn hóa.

Đối với Vĩnh Long, đây là địa phương có kho tàng di sản văn hóa đồ sộ, nếu được xác định đúng hướng thì tiềm năng phát triển thông qua di sản văn hóa là rất lớn.

Nếu giờ này bắt tay vào thực hiện thì Vĩnh Long không phải là địa phương đi đầu, nhưng cũng khá sớm so với nhiều địa phương khác. Điều này, giúp Vĩnh Long có thuận lợi sẽ rút kinh nghiệm, có chọn lọc những giải pháp hay để thực hiện rút ngắn thời gian và chi phí.

Ông Phạm Định Phong đề nghị tỉnh Vĩnh Long nên ưu tiên bố trí nguồn lực cho Bảo tàng tỉnh thực hiện công tác chuyển đổi số.

Theo đó, cần xây dựng cơ sở dữ liệu về di sản văn hóa phù hợp với đối tượng, phạm vi hoạt động và điều kiện thực tế của bảo tàng, ban quản lý di tích để phục vụ cho hoạt động nghiên cứu, giáo dục và giới thiệu di sản văn hóa trên không gian số.

Đồng thời nghiên cứu cách thức ứng dụng công nghệ số của một số bảo tàng, ban quản lý di tích đã bước đầu thành công để xây dựng các ứng dụng giới thiệu nội dung trình bày chuyên đề, hoạt động tuyên truyền, giáo dục thông qua hình thức trực tuyến.

Ngoài ra, ưu tiên đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực cho bảo tàng về công nghệ mới và các ứng dụng công nghệ có thể áp dụng tại Bảo tàng tỉnh Vĩnh Long.

Bài, ảnh: Ngọc Trảng

Báo Vĩnh Long online – baovinhlong.com.vn