Skip to content
  1. Home
  2. »
  3. CNTT và thông tin
  4. »
  5. Vĩnh Phúc: Chuyển đổi số trong lĩnh vực văn hóa,…

Vĩnh Phúc: Chuyển đổi số trong lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch

Cán bộ Thư viện tỉnh scan các đầu sách, tài liệu để bạn đọc có thể đọc, tra cứu trên trang website của thư viện. Ảnh Kim Ly

Nhằm từng bước triển khai cụ thể hóa các văn bản chỉ đạo của tỉnh về chuyển đổi số, ngành VHTTDL đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trên các lĩnh vực quản lý, trong đó, điểm nhấn là việc triển khai hệ thống quản lý, điều hành du lịch thông minh.

Sở VHTTDL chủ trì, phối hợp với Sở TTTT, UBND các huyện, thành phố tham mưu UBND tỉnh thuê dịch vụ CNTT số hóa du lịch tỉnh Vĩnh Phúc, triển khai hệ thống quản lý, điều hành du lịch thông minh gồm có 3 phân hệ:

Phân hệ quản lý, điều hành (quản lý khu, điểm du lịch; quản lý sản phẩm du lịch; quản lý doanh nghiệp vận tải lữ hành…); phân hệ cổng thông tin du lịch (kết nối với phân hệ quản lý, điều hành cung cấp thông tin địa điểm, dịch vụ ăn uống, vui chơi, giải trí cho du khách; cho phép đặt các dịch vụ trực tuyến, bình luận, xem tour, tạo tour, đánh giá tour, chia sẻ các sản phẩm du lịch); phân hệ ứng dụng trợ lý du lịch thông minh trực tuyến và trực tiếp (bản đồ số du lịch tương tác 3D, tương tác thông tin các điểm tham quan bằng mã QR code trên ứng dụng di động, thuyết minh tự động đa phương tiện).

Sở VHTTDL triển khai thực hiện Dự án Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu số (số hóa tài liệu) Thư viện tỉnh nhằm mục tiêu số hóa các tài liệu địa chí, tài liệu cổ, quý hiếm và bộ sưu tập tài liệu có giá trị đặc biệt về lịch sử, văn hóa, khoa học; xây dựng mục lục liên hợp phản ánh tài liệu dùng chung và mục lục liên hợp với một số ngành, lĩnh vực; xây dựng, tích hợp, kết nối, liên thông, chia sẻ cơ sở dữ liệu, trao đổi tài nguyên thông tin số giữa hệ thống các thư viện trên địa bàn tỉnh với các thư viện trong cả nước và nước ngoài; bổ sung, chia sẻ, dùng chung cơ sở dữ liệu hoặc quyền truy cập tài nguyên thông tin số.

Mục tiêu cơ bản đến năm 2025, 100% thư viện công lập trên địa bàn tỉnh hoàn thiện và phát triển hạ tầng số, dữ liệu số, triển khai liên thông, chia sẻ tài nguyên và sản phẩm thông tin thư viện với Thư viện quốc gia và các thư viện trong và ngoài nước; nâng cấp, hoàn thiện trang thông tin điện tử thư viện công cộng của tỉnh theo hướng hiện đại gắn với triển khai cung cấp dịch vụ trực tuyến, tích hợp với thành phần dữ liệu mở của hệ tri thức việt số hóa; 70% tài liệu cổ, quý hiếm và bộ sưu tập tài liệu có giá trị đặc biệt về lịch sử, văn hóa, khoa học do Thư viện tỉnh và hệ thống các thư viện công lập trên địa bàn tỉnh thu thập, quản lý được số hóa.

Vĩnh Phúc là một trong những địa phương được Bộ VHTTDL chọn triển khai thí điểm nền tảng Bảo tàng số. Đây là nền tảng ứng dụng công nghệ số trong trưng bày, đưa tư liệu, hiện vật đến gần hơn với người xem. Các tư liệu, hiện vật được số hóa dưới dạng 2D, 3D, video clip sống động, truyền tải tới người xem thông qua các kênh trực tiếp hoặc trực tuyến.

Hiện nay, Sở VHTTDL đã chỉ đạo các phòng, đơn vị chuyên môn thực hiện công tác kiểm kê di sản văn hóa vật thể, phi vật thể, phân loại, đánh số tư liệu, các hiện vật, nhóm hiện vật, cổ vật quý hiếm, có giá trị tiêu biểu tại Bảo tàng tỉnh làm cơ sở để triển khai số hóa di sản. Bên cạnh đó, tập trung đầu tư trang thiết bị CNTT, mạng Lan, camera giám sát phục vụ hoạt động của Trung tâm Đào tạo vận động viên tỉnh.

Chánh Văn phòng Sở VHTTDL Quảng Đức Hạnh cho biết: “Thời gian tới, Sở VHTTDL tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng CNTT, phát triển chính quyền điện tử hướng tới chính quyền số tỉnh Vĩnh Phúc; chuyển đổi số, phát triển cơ sở hạ tầng CNTT thiết yếu của ngành VHTTDL; chủ động nghiên cứu và phát triển sản phẩm văn hóa, tác phẩm nghệ thuật, công nghệ biểu diễn nghệ thuật, dịch vụ du lịch, công nghiệp văn hóa dựa trên nền tảng công nghệ số, internet và không gian mạng; rà soát, kiểm tra, đánh giá, thẩm định và tổ chức thực hiện các quy định về bảo đảm an toàn, an ninh thông tin trên môi trường mạng”.

Bạch Nga

Báo Vĩnh Phúc – baovinhphuc.com.vn