Vĩnh Phúc: Số hóa để bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa
Lễ hội kéo song, thị trấn Hương Canh, huyện Bình Xuyên được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia và UNESCO ghi danh vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Ảnh: Dương Chung
Là vùng đất có truyền thống lịch sử và văn hóa lâu đời, trải qua thời gian cùng nhiều thăng trầm của lịch sử, kho tàng di sản văn hóa (DSVH) của tỉnh vẫn còn lưu giữ được nhiều di tích, di chỉ khảo cổ, hiện vật, lễ hội, nghề thủ công truyền thống, nghệ thuật diễn xướng dân gian, trò chơi dân gian… phong phú và độc đáo.
Theo thống kê của Sở VHTTDL, hiện nay trên địa bàn tỉnh có hơn 1.300 di tích lịch sử văn hóa, trong đó 68 di tích được xếp hạng cấp quốc gia và quốc gia đặc biệt; 420 di tích cấp tỉnh.
Đối với DSVH phi vật thể, tỉnh đã công bố danh mục 571 di sản, trong đó có 7 di sản được công nhận là DSVH phi vật thể quốc gia gồm hát ca trù, kéo song Hương Canh, lễ hội đền Ngự Dội, hát Sọong Cô của người Sán Dìu; hát Trống quân Đức Bác; tín ngưỡng thờ Quốc Mẫu Tây Thiên và lễ hội truyền thống xã Đại Đồng.
Những năm qua, UBND tỉnh ban hành nhiều đề án, chương trình hành động nhằm bảo tồn, phát huy giá trị DSVH vật thể và phi vật thể. Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở VH-TT&DL đã phối hợp với các huyện, thành phố thực hiện công tác kiểm kê số lượng, hệ thống hiện vật tại di tích, hiện trạng đất đai cũng như công tác bảo vệ di tích của các địa phương.
Rà soát, triển khai các hoạt động bảo tồn, khai thác và tu bổ, chống xuống cấp các di tích, danh thắng tiêu biểu; thực hiện công bố danh mục di tích và cắm mốc, khoanh vùng bảo vệ các khu vực di tích đã xếp hạng trên địa bàn tỉnh; lập bản đồ các di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh tiêu biểu…
Hằng năm, Sở VHTTDL phối hợp tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực quản lý di tích, quản lý các dự án bảo quản, tu bổ và phục hồi di tích cho đội ngũ cán bộ cấp huyện, xã và người trực tiếp trông coi di tích.
Đồng thời, tích cực phối hợp với các ban, ngành, địa phương làm tốt công tác tuyên truyền các quy định của Luật DSVH và các văn bản pháp luật có liên quan nhằm nâng cao nhận thức, khơi dậy ý thức, trách nhiệm của nhân dân trong việc gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị DSVH các dân tộc trên địa bàn. Công tác xã hội hóa được đẩy mạnh đã huy động sự tham gia, đóng góp của nhân dân trong công tác bảo tồn, tôn tạo, phát huy các giá trị di tích lịch sử văn hóa.
Bên cạnh đó, tỉnh quan tâm sưu tầm, nghiên cứu phục dựng các trò diễn truyền thống; truyền dạy, bảo tồn các làn điệu dân ca, dân vũ; kế thừa, phát huy những phong tục tập quán tốt đẹp của cộng đồng làng xã trong các lễ hội dân gian; hướng dẫn, tiếp nhận, hoàn thiện hồ sơ, trình cấp có thẩm quyền xét tặng nghệ nhân dân gian, nghệ nhân ưu tú và công nhận các loại hình DSVH…
Năm 2021, HĐND tỉnh đã ban hành nghị quyết về việc hỗ trợ đối với nghệ nhân lĩnh vực DSVH phi vật thể và hỗ trợ kinh phí hoạt động cho các câu lạc bộ dân ca tiêu biểu tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2021-2025, qua đó tiếp thêm động lực để các nghệ nhân, CLB cống hiến cho việc bảo tồn, phát huy giá trị DSVH phi vật thể trên địa bàn tỉnh.
Trong bối cảnh chuyển đổi số diễn ra sâu rộng, sự phát triển nhanh như vũ bão của công nghệ số đã mở ra nhiều cơ hội để công tác bảo tồn, phát huy các giá trị DSVH tiếp tục có những bước tiến mới.
Việc số hóa di sản nếu được triển khai đồng bộ sẽ giúp giảm tối đa các phương tiện lưu trữ cồng kềnh, kém hiệu quả; tiết kiệm chi phí so với các phương pháp bảo tồn khác và cho tính trực quan, độ tin cậy cao.
Bên cạnh đó, các di sản ở dạng số hóa có thể được quảng bá nhanh chóng thông qua mạng internet mà không bị giới hạn về thời gian, địa điểm, ngôn ngữ. Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi để giới thiệu, quảng bá hệ thống DSVH, hình ảnh vùng đất, con người Vĩnh Phúc thông qua ứng dụng nền tảng công nghệ số gắn với phát triển du lịch trực tuyến, thỏa mãn nhu cầu tìm hiểu văn hóa Vĩnh Phúc của bạn bè trong nước và quốc tế.
Ngày 02/3/2022, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số hóa và ứng dụng trên nền tảng số hồ sơ khoa học, tư liệu DSVH Vĩnh Phúc, giai đoạn 2022-2030. Kế hoạch đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ thực hiện số hóa 100% dữ liệu hồ sơ khoa học, tư liệu các di tích cấp tỉnh; 100% di sản tư liệu, hiện vật, nhóm hiện vật, cổ vật quý hiếm, có giá trị tiêu biểu hiện đang lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh; 100% dữ liệu DSVH phi vật thể trong danh mục kiểm kê, có giá trị đặc sắc hoặc có nguy cơ mai một…
Thực hiện kế hoạch của UBND tỉnh, hiện Sở VHTTDL đang khẩn trương kiểm kê các DSVH trên địa bàn tỉnh; phân loại, đánh số tư liệu, các hiện vật, nhóm hiện vật, cổ vật quý hiếm, có giá trị tiêu biểu tại Bảo tàng tỉnh.
Thời gian tới, Sở VHTTDL tỉnh sẽ tăng cường đầu tư trang thiết bị công nghệ thông tin, thực hiện số hóa, xây dựng cơ sở dữ liệu về DSVH và tư liệu, các hiện vật, nhóm hiện vật, cổ vật quý hiếm, có giá trị tiêu biểu tại Bảo tàng tỉnh; xây dựng và hoàn thiện phần mềm quản lý cơ sở dữ liệu, Cổng thông tin về DSVH Vĩnh Phúc.
Đồng thời, tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn người dân thực hiện tra cứu tư liệu tại Cổng thông tin về DSVH Vĩnh Phúc; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, đào tạo, tập huấn, cập nhật kiến thức, kỹ năng chuyển đổi số cho các cán bộ làm công tác chuyên môn trong lĩnh vực DSVH.
Lê Mơ
Nguồn: Báo Vĩnh Phúc – baovinhphuc.com.vn