Skip to content
  1. Home
  2. »
  3. Hoạt động
  4. »
  5. VTOS – công cụ hỗ trợ nâng cao chất lượng…

VTOS – công cụ hỗ trợ nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch

Nguồn nhân lực du lịch trước bối cảnh mới

Theo báo cáo tóm tắt kết quả 5 năm thực hiện Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 của Viện Nghiên cứu phát triển du lịch (ITDR), đến năm 2015, du lịch Việt Nam có gần 555.000 lao động trực tiếp, 1.220.500 lao động gián tiếp, chiếm khoảng 2,5% lao động cả nước, góp phần mang lại hiệu quả xã hội trong việc tạo công ăn việc làm và bảo đảm an sinh xã hội. Tuy nhiên con số này chưa đạt được như mục tiêu của chiến lược là đến năm 2015 tạo ra 2.200.000 việc làm trong đó có 620.000 lao động trực tiếp.

Theo số liệu của ITDR, tỷ lệ lao động được đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ về du lịch chiếm khoảng 43% tổng số lao động ngành, 38% được đào tạo từ các chuyên ngành khác chuyển sang và 20% chưa qua đào tạo chính quy mà chỉ qua đào tạo tại chỗ. Lao động du lịch được đào tạo sơ cấp, trung cấp, cao đẳng đạt 51%; dưới sơ cấp chiếm 39,3% và tỷ lệ được đào tạo đại học và sau đại học là 9,7%. Nghiên cứu của ITDR về trình độ ngoại ngữ của nguồn nhân lực ngành du lịch cho thấy chỉ khoảng 60% nhân lực ngành Du lịch có khả năng giao tiếp bằng ngoại ngữ: tiếng Anh (42%), tiếng Trung (5%), tiếng Pháp (4%) và ngoại ngữ khác (9%). Đây cũng là một hạn chế đối với quá trình hội nhập quốc tế của du lịch Việt Nam.

Sự phát triển của du lịch Việt Nam thời gian gần đây kéo theo nhu cầu về nhân lực ngày càng gia tăng. Theo dự báo của Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch, với tốc độ tăng trưởng bình quân trong giai đoạn 2016 – 2020 là 7,0%/năm, đến năm 2020, nhu cầu nhân lực của ngành Du lịch ước cần 870.000 lao động trực tiếp.

Du lịch là một ngành vừa mang tính khoa học, vừa mang tính nghệ thuật nên đòi hỏi người lao động trong ngành không chỉ cần có chuyên môn giỏi, mà còn phải có các kỹ năng, sự nhạy bén, am hiểu nhu cầu của khách, khéo léo trong giao tiếp, tâm huyết với nghề, thành thạo ngoại ngữ mới có thể đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của khách du lịch trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt.

Đặc biệt, trước yêu cầu phát triển nền kinh tế tri thức và hội nhập quốc tế ngày một sâu rộng, toàn diện, nhất là từ cuối năm 2015 Việt Nam hội nhập Cộng đồng Kinh tế ASEAN và thực hiện Thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau trong ASEAN về nghề du lịch (MRA-TP) cho phép dịch chuyển lao động tự do trong ngành du lịch giữa các nước ASEAN thì việc chuẩn hóa kỹ năng nghề du lịch theo tiêu chuẩn quốc tế là một yêu cầu cấp thiết. Thực tiễn này đòi hỏi công tác nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cần chú trọng các kỹ năng chuyên nghiệp, bài bản và khả năng ngoại ngữ để đảm bảo hội nhập thành công và phát triển du lịch một cách bền vững.

Xây dựng khung trình độ nghề du lịch quốc gia là điều kiện quan trọng để đảm bảo cho việc triển khai MRA-TP, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, trong đó chú trọng đào tạo kỹ năng đáp ứng các yêu cầu công việc thực tiễn. Hiện nay, hai bộ tiêu chuẩn VTOS về nghề Lễ tân và Phục vụ buồng đang được Bộ LĐTBXH thẩm định và xem xét phê duyệt thành tiêu chuẩn quốc gia.

Đánh giá thử nghiệm năng lực theo tiêu chuẩn VTOS nghiệp vụ Lễ tân tại Hà Nội

(Ảnh: esrt.vn)

VTOS góp phần chuẩn hóa kỹ năng nghề nâng cao chất lượng nguồn nhân lực

Bộ tài liệu VTOS phiên bản 2013 hướng dẫn kỹ năng nghề, hướng dẫn kỹ năng đào tạo cho 10 nghiệp vụ: Lễ tân, Phục vụ buồng, Phục vụ nhà hàng, Chế biến món ăn, Điều hành du lịch và Đại lý lữ hành, Hướng dẫn du lịch, Thuyết minh du lịch, Phục vụ trên tàu thủy du lịch, Quản lý khách sạn, Vận hành cơ sở lưu trú nhỏ, trên cơ sở tham khảo khung trình độ châu Âu và chỉnh sửa phù hợp với điều kiện của Việt Nam. Tiêu chuẩn nghề du lịch Việt Nam VTOS 2013 cung cấp danh mục hơn 65 chứng chỉ đề xuất cho các đối tượng từ nhân viên tập sự bậc 1 đến quản lý cấp cao bậc 5. VTOS 2013 đáp ứng các tiêu chí phù hợp: đầy đủ 6 bộ tiêu chuẩn nghề du lịch chung của ASEAN và có phiên bản tiếng Anh; được xây dựng tương thích với Tiêu chuẩn Năng lực chung về nghề Du lịch trong ASEAN (ACCSTP) và đáp ứng các quy định của MRA-TP. Đây là tài liệu hữu ích đối với xây dựng chương trình đào tạo đáp ứng nhu cầu thực tiễn của các cơ sở đào tạo du lịch; công tác đào tạo và đánh giá nhân viên của các doanh nghiệp khách sạn, lữ hành và có thể trở thành sổ tay, cẩm nang của người lao động trong ngành Du lịch.

Thời gian qua, Dự án Chương trình Phát triển Năng lực Du lịch có Trách nhiệm với Môi trường và Xã hội (Dự án ESRT do Liên minh Châu Âu tài trợ) đã triển khai chuỗi các hoạt động từ việc xây dựng bộ tiêu chuẩn nghề du lịch đến tập huấn cho đội ngũ đào tạo viên về cách sử dụng bộ tiêu chuẩn này để phát triển thành bộ giáo trình đào tạo, tổ chức các khóa tập huấn cộng đồng, xây dựng đội ngũ tư vấn viên cộng đồng để họ lan tỏa, tiếp tục phổ biến đến các cộng đồng khác. Dự án đã tích cực tuyên truyền phổ biến VTOS 2013, hỗ trợ triển khai áp dụng VTOS trong đào tạo và đạt được những kết quả tích cực: 14 trường thuộc Bộ VHTTDL đang áp dụng tiêu chuẩn VTOS; đào tạo nâng cao năng lực VTOS và du lịch có trách nhiệm cho hơn 10.000 lượt học viên đến từ các cơ sở đào tạo và doanh nghiệp du lịch; hỗ trợ trang thiết bị thực hành cơ bản và tập huấn 39 giáo viên của 5 trường dạy nghề du lịch tại Lào Cai, Sơn La, Nghệ An, Gia Lai và Kiên Giang; xây dựng khung đánh giá cho tiêu chuẩn VTOS 2013; tiến hành chương trình đánh giá thử nghiệm 2 nghề Lễ tân và Phục vụ buồng bậc 1 và 2…

Trong thời gian tới, cùng với việc xây dựng bộ tiêu chuẩn nghề quốc gia, việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch cần có sự hành động tích cực từ cơ sở đào tạo; sự phối hợp chặt chẽ của các doanh nghiệp; nhất là nhu cầu học hỏi, đổi mới của người lao động. Các cơ sở đào tạo cần đổi mới nội dung, chương trình đào tạo theo hướng nâng cao kỹ năng thực hành. Cơ sở đào tạo và doanh nghiệp du lịch cần đẩy mạnh hợp tác nhằm đảm bảo đào tạo gắn với nhu cầu phát triển của ngành, xã hội và thị trường. Người lao động trong lĩnh vực du lịch cần chủ động học hỏi, trau dồi, nâng cao trình độ để đạt được sự chuyên nghiệp và các tiêu chuẩn mang tầm khu vực và quốc tế về kiến thức chuyên môn, kỹ năng nghề, trình độ ngoại ngữ… để được công nhận năng lực, trở thành lao động có kỹ năng bậc cao, nhờ đó tăng thêm cơ hội thăng tiến trong nghề nghiệp, dịch chuyển lao động và chủ động hội nhập quốc tế. Khi có bộ tiêu chuẩn nghề quốc gia, sự hợp tác hiệu quả giữa cơ sở đào tạo và doanh nghiệp du lịch và lao động du lịch hội đủ năng lực tiêu chuẩn thì nhân lực du lịch của Việt Nam hoàn toàn có thể đáp ứng nhu cầu phát triển ngành và cạnh tranh được với lao động của các nước ASEAN.  

Hồng Nhung