Cần Thơ nỗ lực chuyển đổi số trong các hoạt động văn hóa – du lịch
Trong bối cảnh chịu sự tác động của dịch Covid-19, các nền tảng số, ứng dụng trực tuyến là một gợi ý cho những người làm văn hóa, nghệ thuật. Trung tuần tháng 11 vừa qua, Nhà hát Tây Đô thực hiện chương trình nghệ thuật “Dạ cổ Cầm Thi”, phát trực tiếp trên các nền tảng trực tuyến và lưu lại phục vụ người hâm mộ, sau thời gian dài tạm ngừng vì dịch bệnh. Đây là nỗ lực của Nhà hát Tây Đô nhằm đa dạng hình thức hoạt động trong tình hình mới.
Chương trình “Dạ cổ Cầm Thi” đã được đơn vị thực hiện 7 lần tại rạp Nhà hát Tây Đô, quận Ninh Kiều để phục vụ khán giả đến xem trực tiếp. Do tình hình dịch Covid-19, chuỗi chương trình này bị gián đoạn và nhà hát đã linh động chuyển qua hình thức online. Trong 40 phút, các nghệ sĩ thể hiện 3 bài ca vọng cổ và 1 chập cải lương. Do chuẩn bị kỹ lưỡng, nội dung phong phú nên dù phát online chương trình vẫn hấp dẫn người xem.
Nhà hát Tây Đô đã tổ chức chương trình “Dạ cổ Cầm Thi” phát trên các nền tảng trực tuyến của nhà hát
Ngoài Nhà hát Tây Đô, Trung tâm Văn hóa TP. Cần Thơ thời gian qua cũng thực hiện tốt việc chuyển đổi số thông qua các tác phẩm, chương trình nghệ thuật phát trên các nền tảng mạng xã hội. NSƯT Huỳnh Nhật Danh – Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa TP. Cần Thơ cho biết đây là thời kỳ đơn vị phải nỗ lực nhiều hơn nữa để hoạt động, bước vào chuyển đổi số nhằm đáp ứng được tình hình mới và công tác phòng chống dịch bệnh.
Gần đây nhất, Trung tâm Văn hóa TP. Cần Thơ đã viết kịch bản, dàn dựng và biểu diễn chương trình nghệ thuật tri ân các lực lượng tuyến đầu phòng, chống dịch Covid-19 với chủ đề “Cần Thơ – Tiếng vọng từ trái tim”. Hiện các nghệ sĩ, ca sĩ trong trung tâm vẫn tích cực tập luyện trong điều kiện tuân thủ 5K để xây dựng nhiều tác phẩm mới thu hút người xem.
Bên cạnh “nhà hát online”, “sân khấu trực tuyến”, TP. Cần Thơ còn chú trọng hình thành mạng lưới thư viện hiện đại, bảo tàng hiện đại với những cách thức mới. Mới đây, Thư viện TP. Cần Thơ đã tổ chức cho học sinh tiểu học trên địa bàn quận Ninh Kiều khám phá, trải nghiệm thư viện số “Let’s Read”. Sáng kiến “Let’s Read” được xây dựng dưới hình thức thư viện số miễn phí, nhằm hỗ trợ trẻ em tìm hiểu thế giới, nâng cao kiến thức và kỹ năng. Hoạt động này giúp học sinh tiếp cận với loại hình thư viện số, trải nghiệm đọc sách trên thư viện số, thi đố vui kiến thức tiếng Anh, vẽ tranh…
Bảo tàng TP. Cần Thơ vừa tổ chức thành công lớp tập huấn nghiệp vụ thuyết minh di tích lịch sử – văn hóa bằng hình thức trực tuyến. Hơn 40 học viên công tác trong lĩnh vực di tích, văn hóa, di sản… từ khắp các địa phương thuộc TP. Cần Thơ đã được bồi dưỡng những kỹ năng như tổng quan di tích lịch sử – văn hóa, nghiệp vụ thuyết minh hướng dẫn khách tham quan, thực hành kỹ năng thuyết minh… Do tổ chức lớp bằng hình thức trực tuyến nên học viên dù ở địa phương có cấp độ dịch nào cũng có thể tham dự.
Trong những tháng thực hiện công tác phòng chống dịch, nhiều lớp học online về kỹ năng sống, tìm hiểu văn hóa được mở khá nhiều. Anh Nguyễn Thanh Tùng, nguyên Bí thư đoàn trường Đại học Cần Thơ, hiện là người dẫn chương trình tự do cũng mở những lớp đào tạo kỹ năng dẫn chương trình, nói trước công chúng thông qua mạng xã hội. Mỗi lớp chỉ khoảng 10 học viên, anh Tùng đã hướng dẫn cho họ cách vượt qua sự hồi hộp để tự tin vào bản thân, luyện hơi, phát âm, ngôn ngữ hình thể, biên tập kịch bản, xử lý tình huống và thực hành…
Theo anh Nguyễn Thanh Tùng, lớp học của anh không quá đông để đảm bảo tương tác tốt với học viên, các bạn không chỉ cập nhật nội dung, kiến thức mà còn giao lưu, trao đổi hay học tập kinh nghiệm lẫn nhau. Dù ban đầu có những lo ngại về đường truyền internet hoặc khả năng tiếp thu của học viên qua phương thức trực tuyến, nhưng sau vài lớp, anh Nguyễn Thanh Tùng cho biết đã hoàn toàn tự tin để tiếp tục các khóa học mới.
Cùng với các địa phương, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP Cần Thơ cũng tiếp tục duy trì các trang thông tin, thường xuyên cập nhật hoạt động và xây dựng hình ảnh 3D các điểm du lịch nhằm tạo sự phong phú, chân thực cho du khách. Các cơ sở kinh doanh trên địa bàn thành phố cũng tăng cường quảng bá, tiếp cận khách hàng gián tiếp và đẩy mạnh đặt dịch vụ qua mạng xã hội hoặc các ứng dụng trên thiết bị di động.
Bà Nguyễn Thị Hồng Nhung – Phó Giám đốc Công ty Du lịch Hồng Hiếu cho biết trong thời gian nghỉ dịch và đến khi hoạt động lại, công ty duy trì trao đổi với khách qua mạng xã hội; nhân viên được tập huấn các kỹ năng giao tiếp và cách tạo video, hình ảnh thu hút khách. Hiện công ty vẫn nhận khách qua đường dây nóng hoặc tư vấn qua trang mạng xã hội của đơn vị; đồng thời cập nhật hình ảnh mới, những phần nâng cấp và thông tin tới khách hàng.
Có thể thấy, dịch bệnh Covid-19 tuy tác động và ảnh hưởng nặng nề đối với ngành văn hóa, du lịch TP. Cần Thơ nói riêng, cả nước nói chung, nhưng cũng là dịp để ngành đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số. Việc ứng dụng công nghệ cũng giúp các tổ chức, doanh nghiệp và mô hình truyền thống có sự thay đổi mạnh mẽ để tiếp tục tồn tại và phát triển dưới nhiều hình thái phong phú, đa dạng hơn./.
Hồng Phương/VOV-ĐBSCL
Nguồn: VOV.VN