Hưng Yên: Chuyển đổi số lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch
Bảo tàng tỉnh ứng dụng phần mềm Quản lý thông tin hiện vật trong hoạt động nghiệp vụ
Một trong những đơn vị trực thuộc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số đó là Thư viện tỉnh. Nhằm phát huy vai trò của ngành thư viện trong thời đại 4.0, Thư viện tỉnh đã có nhiều nỗ lực và giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin trong các khâu nghiệp vụ nhằm hướng đến mục tiêu xây dựng môi trường đọc hiện đại và linh hoạt, phục vụ độc giả một cách tốt nhất. Từ năm 2012, Thư viện tỉnh được trang bị một hệ thống phần mềm và các trang thiết bị như: Máy chủ, thiết bị lưu trữ, thiết bị mạng, thiết bị đọc… bảo đảm công tác quản lý, lưu trữ. Năm 2017, Thư viện tỉnh triển khai xây dựng cổng thông tin điện tử riêng (http://thuvienhungyen.vn) với giải pháp tích hợp phần mềm quản lý tài liệu số, phân loại thông tin, lưu trữ đa dạng hóa thông tin (hình ảnh, văn bản, âm thanh, video…) đáp ứng lượng thông tin lớn. Đồng chí Đào Văn Quyến, Giám đốc Thư viện tỉnh cho biết: Thực hiện Chương trình chuyển đổi số ngành thư viện đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, đơn vị đang tập trung phát triển thư viện số, bảo đảm cung ứng hiệu quả dịch vụ cho độc giả ở mọi nơi, mọi lúc. Cụ thể, ngoài quản lý thẻ, cấp thẻ thông qua phần mềm điện tử, Thư viện tỉnh còn triển khai số hóa tài liệu địa chí, tài liệu quý hiếm, có giá trị. Đến nay, Thư viện tỉnh đã số hóa 34.000 trang tài liệu địa chí; 4.500 trang dữ liệu báo, tạp chí; 200 trang dữ liệu tranh, ảnh, bản đồ; 36.650 trang tài liệu Hán Nôm…
Những năm qua, Bảo tàng tỉnh cũng nỗ lực ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động lưu trữ, bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa, đáp ứng nhu cầu tham quan, nghiên cứu của Nhân dân và du khách. Bảo tàng tỉnh đã nhận chuyển giao sử dụng phần mềm Quản lý thông tin hiện vật do Cục Di sản Văn hóa (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) triển khai. Đồng chí Bùi Đăng Quy, Giám đốc Bảo tàng tỉnh cho biết: Nhờ ứng dụng phần mềm Quản lý thông tin hiện vật, Bảo tàng tỉnh có thể quản lý chặt chẽ các bộ sưu tập hiện vật theo phương pháp hiện đại, phù hợp với thời buổi khoa học công nghệ phát triển nhanh. Phần mềm còn giúp bảo quản hồ sơ hiện vật của Bảo tàng, di tích tốt hơn vì hạn chế được tình trạng phải mở sổ tra cứu trực tiếp, thuận tiện cho việc đăng nhập hồ sơ hiện vật mới. Việc lưu trữ, sắp xếp, tìm kiếm, thống kê, báo cáo, in ấn, trao đổi thông tin cũng được nhanh chóng, chính xác, khoa học. Cùng với việc số hóa công tác kiểm kê, quản lý hiện vật, hiện nay trên cổng thông tin điện tử và trang mạng xã hội Facebook chính thức của Bảo tàng tỉnh thường xuyên cập nhật các thông tin về hiện vật hay các hoạt động của Bảo tàng tỉnh để tuyên truyền rộng rãi đến đông đảo các tầng lớp Nhân dân. Đặc biệt, Bảo tàng tỉnh đã thực hiện số hóa 3D một số hiện vật tiêu biểu và các bảo vật quốc gia trên địa bàn tỉnh như: Trống đồng Động Xá; Quan tài thời kỳ văn hóa Đông Sơn; Tượng Quan Âm Thiên Thủ Thiên Nhãn ở chùa Mễ Sở, xã Mễ Sở (Văn Giang); Bệ tượng Phật đá hoa sen ở chùa Hương Lãng, xã Minh Hải (Văn Lâm); Di tích lịch sử quốc gia Địa điểm Cây đa và Đền La Tiến ở xã Nguyên Hòa (Phù Cừ)… nhằm giới thiệu các hiện vật có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, thẩm mỹ đến với công chúng được mở rộng và dễ dàng hơn so với cách trưng bày truyền thống.
Nhận thức tầm quan trọng của chuyển đổi số trong thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn, ngày 08/4/2022, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Kế hoạch số 23/KH-SVHTTDL thực hiện chuyển đổi số ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 với các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể. Trong đó, các nhiệm vụ, giải pháp được chia làm 5 nhóm, gồm: Chuyển đổi nhận thức về chuyển đổi số; kiến tạo thể chế về chuyển đổi số; xây dựng hạ tầng số; phát triển nền tảng số và bảo đảm an toàn, an ninh mạng. Đồng chí Đào Mạnh Huân, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết: Ngành văn hóa thời gian tới sẽ tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số trên cơ sở lựa chọn, ưu tiên các lĩnh vực quan trọng, trong đó, đẩy nhanh tiến độ thực hiện tổng kiểm kê di sản văn hóa, lễ hội trên địa bàn tỉnh. Việc này tạo cơ sở để cung cấp nguồn thông tin, dữ liệu đầu vào phục vụ cho mục đích chuyển đổi số trong lĩnh vực di sản văn hóa. Ngoài ra, tập trung thực hiện số hóa và triển khai ứng dụng trên các nền tảng số đối với di sản văn hóa vật thể, phi vật thể và di tích đã được xếp hạng. Việc số hóa và ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ được xem là một bước tiến quan trọng để làm tốt công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản. Đồng thời, đây sẽ là cầu nối để đưa các di sản văn hóa đến gần hơn với công chúng, thu hút khách du lịch, góp phần phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh.
Lê Hiếu
Báo Hưng Yên điện tử – baohungyen.vn