Lào Cai: Phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng tạo điểm nhấn cho vùng Tây Bắc
Ruộng bậc thang ở Y Tý – Lào Cai
Nằm ở miền núi phía Tây Bắc, Lào Cai là tỉnh rất chú trọng đầu tư phát triển du lịch. Nghị quyết 39/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân tỉnh Lào Cai đã xác định phát triển du lịch là nhiệm vụ đột phá mang tính ưu tiên trong phát triển kinh tế, phấn đấu hoàn thành mục tiêu đến năm 2030, trở thành trung tâm du lịch thiên nhiên và văn hóa miền núi lớn nhất Việt Nam.
Nhiều tiềm năng để phát triển du lịch
Lào Cai có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch với vị trí địa lý, địa hình núi cao, đa dạng sinh thái, văn hóa. Điểm nổi bật ở Lào Cai là thị trấn Sa Pa – nơi được ban tặng nhiều phong cảnh thiên nhiên tươi đẹp, cuốn hút du khách. Được mệnh danh là “Thị trấn trong mây”, nơi đây có khí hậu quanh năm mát mẻ, vào mùa hè, thời tiết ở thị trấn một ngày có đủ bốn mùa xuân, hạ, thu, đông, cùng cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, những bản làng ẩn hiện trong sương, trăm hoa khoe sắc. Tất cả đã tạo nên một thị trấn bình yên, hài hòa, tươi đẹp nhưng vẫn không kém phần sôi động với những phiên chợ vào cuối tuần. Sa Pa là địa điểm thu hút du khách nhất đến với Lào Cai.
Người Dao ở Lào Cai cấy lúa
Bên cạnh Sa Pa, Lào Cai còn có đỉnh Fansipan nằm trên dãy Hoàng Liên Sơn trong khu vực Vườn quốc gia Hoàng Liên. Đỉnh Fansipan cao 3.143m so với mực nước biển và được biết đến là “Nóc nhà của Đông Dương”. Vườn quốc gia Hoàng Liên có hệ động thực vật và thiên nhiên kỳ thú, tại đây có rất nhiều cây Hoàng Liên – một loại dược liệu quý cùng các loại gỗ, chim, thú quý hiếm như gà gô, gấu, khỉ, sơn dương…
Ngoài tiềm năng về tự nhiên, Lào Cai có tiềm năng rất lớn về văn hóa. Tỉnh là nơi có 25 dân tộc thiểu số sinh sống … Mỗi một dân tộc lại mang nét đặc trưng văn hóa riêng tạo nên một bức tranh văn hóa miền núi sinh động, đầy sắc màu. Những phiên chợ, những lễ hội đặc sắc luôn thu hút du khách hòa cùng nhịp sống đặc trưng theo phong cách vùng cao.
Tạo điều kiện thuận lợi cho du lịch phát triển
Được lãnh đạo tỉnh quan tâm về du lịch, trong những năm gần đây, Lào Cai đã ban hành nhiều chính sách thuận lợi cho phát triển du lịch như Nghị quyết số 39/NQ-HĐND về Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Lào Cai giai đoạn 2015 – 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Đề án phát triển kinh tế du lịch tỉnh Lào Cai giai đoạn 2011-2015… Trong đó, Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Lào Cai giai đoạn 2015 – 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã xác định Lào Cai sẽ được xây dựng trở thành một trong những điểm đến du lịch bậc nhất của vùng Tây Bắc, là một trong những trọng điểm du lịch của Vùng và quốc gia. Đến năm 2030, Lào Cai sẽ là trung tâm du lịch thiên nhiên và văn hóa miền núi lớn nhất của Việt Nam, có sức thu hút đối với khách du lịch nội địa và quốc tế trên cơ sở thế mạnh về tài nguyên du lịch thiên nhiên nguyên sơ, hùng vĩ cùng với bản sắc văn hóa đa dạng, phong phú của các nhóm dân tộc, tạo ra sự khác biệt của các sản phẩm du lịch. Trong tháng 5/2016, tỉnh đã phối hợp với Ban chỉ đạo Tây Bắc cùng các bên liên quan tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư và phát triển du lịch tỉnh Lào Cai nhằm giới thiệu tiềm năng du lịch của tỉnh và thu hút nhiều nhà đầu tư chiến lược để đẩy mạnh phát triển du lịch bền vững.
Mây núi thênh thang từ góc nhìn ở một khách sạn Sa Pa
Vừa qua, đường cao tốc Hà Nội – Lào Cai được đưa vào hoạt động đã rút ngắn thời gian di chuyển từ Hà Nội đến Lào Cai từ 7 – 8 tiếng xuống còn 3 – 4 tiếng và tạo ra sự chuyển biến lớn cho việc phát triển kinh tế – xã hội trong đó có hoạt động du lịch giữa khu vực Hà Nội với Lào Cai và các tỉnh khu vực Đông, Tây Bắc của Việt Nam. Trong tương lai, tỉnh cũng sẽ có sân bay cấp 4C có khả năng đón các loại máy bay A320, A321 và tương đương. Điều này tạo điều kiện di chuyển thuận lợi cho du khách trong nước đến Lào Cai và có khả năng mở rộng vận chuyển tới một số sân bay quốc tế. Đây có thể nói là điểm đột phá về cơ sở hạ tầng của Lào Cai trong thời gian tới.
Với những sự đầu tư đồng bộ về cơ sở hạ tầng cùng sự chung tay kết nối giữa các cơ quan quản lý, doanh nghiệp và cộng đồng, lượng khách du lịch đến với Lào Cai ngày càng tăng trong những năm gần đây. Năm 2012, Lào Cai đón được khoảng 948.610 lượt khách, trong đó, khách nội địa đạt 573.080 lượt; khách quốc tế đạt 375.530 lượt ; Tổng thu từ khách du lịch ước đạt hơn 1.844 tỷ đồng. Đến năm 2015, lượng khách du lịch đến Lào Cai đạt đã trên 2 triệu lượt, trong đó khách quốc tế đạt trên 600.000 lượt, khách nội địa trên 1,3 triệu lượt ; Tổng thu từ khách du lịch đạt trên 4.500 tỷ đồng. Có thể thấy, từ năm 2012 đến 2015, lượng khách đến Lào Cai đã đạt hơn gấp đôi, tổng thu từ khách du lịch tăng gần 2,5 lần.
Định hướng phát triển sản phẩm du lịch
Tận dụng tiềm năng, thế mạnh nổi trội của tỉnh, Lào Cai đã định hướng xây dựng hệ thống sản phẩm đặc trưng, khác biệt nhằm tạo ra điểm nhấn về du lịch của vùng Tây Bắc.
Ga cáp treo Fansipan
Du lịch sinh thái là một trong những điểm mạnh của du lịch Lào Cai với nhiều điểm đến hấp dẫn như khu du lịch núi Hàm Rồng, thác Bạc, cầu Mây, thác Tình yêu – Suối vàng (Sa Pa); Hồ Na Cồ, khu vực lòng hồ thủy điện Cốc Ly (Bắc Hà); Dền Sáng, Sảng Ma Sáo, Y Tý (Bát Xát)… Du lịch cộng đồng gắn với văn hóa của các dân tộc Giáy, Dao, Mông, Tày, Nùng, Hà Nhì được khai thác tại các huyện Sa Pa, Bắc Hà, Bát Xát, Si Ma Cai, Mường Khương và Bảo Yên, nổi bật là các phiên chợ, lễ hội, làng du lịch homestay… Du lịch mạo hiểm với chinh phục nóc nhà Đông Dương – đỉnh Fansipan, đỉnh Bạch Mộc Lương Tử (Bát Xát), núi Ba mẹ con (Bắc Hà), dù lượn, leo vách đá… Du lịch tâm linh tại Thiền viện Trúc Lâm Đại Giác ở Sa Pa (đã khởi công từ tháng 5/2015 và dự kiến tới tháng 5/2017 sẽ hoàn thành), Đền Thượng, đền Mẫu, đền Đôi Cô (thành phố Lào Cai) và đền Bảo Hà (Bảo Yên) kết nối với các tỉnh Yên Bái, Phú Thọ.
Ngoài ra tỉnh đã đầu tư phát triển một số sản phẩm du lịch độc đáo khác như du lịch chợ phiên tại các huyện Bắc Hà, Si Ma Cai và Mường Khương; du lịch chuyên đề về hoa với các tour mùa hoa tam giác mạch (Bắc Hà, Si Ma Cai), hoa Đỗ Quyên (Y Tý, VQG Hoàng Liên), thung lũng hoa (Bắc Hà)…
Đặc biệt, tỉnh Lào Cai đã và đang tập trung đẩy mạnh phát triển du lịch tại Sa Pa và Fansipan. Có thể nói, với điều kiện khí hậu mát mẻ quanh năm cùng phong cảnh thiên nhiên tươi đẹp, Sa Pa luôn là điểm đến lý tưởng của du khách khi đến với Lào Cai. Sa Pa được tỉnh quan tâm đầu tư cơ sở vật chất hạ tầng tương đối toàn diện. Bên cạnh đó, để phục vụ cho nhu cầu ngày càng cao của du khách, tỉnh đã tập trung thu hút đầu tư cơ sở vật chất hiện đại, cao cấp để hướng đến phục vụ đối tượng khách có mức chi tiêu cao. Chính vì vậy, năm 2015 là năm đầu tiên Sa Pa đón được hơn 1 triệu lượt khách với khoảng trên 1,4 triệu lượt.
Nhìn từ cáp treo Fansipan
Bên cạnh phát triển du lịch Sa Pa, tỉnh đã thu hút tập đoàn Sun Group đầu tư xây dựng hệ thống cáp treo Fansipan. Đây là hệ thống cáp treo ba dây hiện đại nhất thế giới được nhận kỷ lục Guinness thế giới về Cáp treo ba dây có độ chênh giữa ga đi và ga đến lớn nhất thế giới (1.410 m) và Cáp treo ba dây dài nhất thế giới (6.292,5 m). Thời gian từ ga đi tới ga đến chỉ mất khoảng 15 phút. Điều này sẽ giúp du khách tiết kiệm thời gian đi lại và chinh phục nóc nhà Đông Dương một cách thuận lợi hơn. Việc đầu tư xây dựng cáp treo Fansipan đã thu hút thêm nhiều du khách có mong muốn, ước mơ được chạm tay đến “Nóc nhà Đông Dương”. Theo thông tin từ Ban quản lý cáp treo Sa Pa cho biết vào ngày cuối tuần, có tới khoảng 4.000 – 5.000 du khách lên đỉnh Fansipan; các khách sạn, nhà nghỉ, hộ kinh doanh dịch vụ lưu trú ở Sa Pa thường kín phòng vào thời điểm này.
Với những kết quả đạt được, để đảm bảo du lịch Lào Cai phát triển bền vững, tỉnh cần đặc biệt quan tâm đến việc bảo vệ môi trường tự nhiên và văn hóa. Đây là việc làm hết sức cần thiết trong bối cảnh du lịch Lào Cai đang phát triển nhanh chóng trong những năm gần đây.
Trong thời gian tới, bên cạnh việc triển khai các Nghị quyết, chương trình phát triển du lịch của tỉnh, Lào Cai cần tiếp tục quán triệt và thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 92/NQ-CP của Chính phủ về một số giải pháp đẩy mạnh phát triển du lịch Việt Nam trong thời kỳ mới, Chỉ thị 18/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác quản lý môi trường du lịch, đảm bảo an ninh an toàn cho khách du lịch, Chỉ thị 14/CT-TTg về việc tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước, tập trung khắc phục yếu kém, thúc đẩy phát triển du lịch, để đảm bảo môi trường phát triển du lịch bền vững, lành mạnh.
Để chuẩn bị cho Năm Du lịch quốc gia 2017 – Tây Bắc – Lào Cai, tỉnh cũng đã xây dựng nhiều chương trình du lịch liên kết với các tỉnh Tây Bắc, góp phần thu hút nhiều hơn nữa khách du lịch trong nước và quốc tế đến với Lào Cai, Tây Bắc trong thời gian tới.
Thu Thủy