Phương pháp xây dựng phương án điều tra thông tin khách du lịch
Số liệu thống kê đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng các định hướng, cũng như xây dựng chiến lược phát triển của mỗi ngành, mỗi địa phương. Nhằm nâng cao chất lượng thống kê, tạo nguồn số liệu cho việc tính toán, tổng hợp, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) đã ban hành hệ thống chỉ tiêu thống kê ngành VHTTDL và các thông tư quy định chế độ báo cáo thống kê du lịch áp dụng đối với các đơn vị quản lý du lịch ở cấp trung ương và địa phương và các cơ sở, doanh nghiệp hoạt động du lịch do ngành du lịch quản lý, cấp phép.
Để lập được đầy đủ các chỉ tiêu, số liệu thống kê báo cáo theo yêu cầu của Bộ (theo Thông tư số 27/2014/TT-BVHTTDL ngày 31/12/2014 Quy định Chế độ báo cáo thống kê tổng hợp áp dụng đối với cơ quan quản lý du lịch thuộc các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương), các Sở VHTTDL/ Du lịch các tỉnh/thành phố cần thực hiện các cuộc điều tra khách du lịch tại địa phương.
Nhiều tỉnh/thành phố đã và đang quan tâm chuẩn bị tiến hành các cuộc điều tra thông tin khách du lịch nhằm hoàn thiện các chỉ tiêu theo yêu cầu trên, đồng thời làm cơ sở cho việc xây dựng các kế hoạch, chiến lược, và định hướng phát triển để đảm bảo được các vấn đề về đầu tư và các hướng phát triển sản phẩm du lịch của địa phương. Đặc biệt làm căn cứ để xác định đóng góp của du lịch vào sự phát triển kinh tế địa phương.
Mỗi cuộc điều tra thống kê phải có phương án điều tra thống kê. Là đơn vị đã thực hiện một số cuộc điều tra thông tin khách du lịch (nội địa, quốc tế đến, quốc tế đi (người Việt Nam đi du lịch nước ngoài)), Trung tâm Thông tin du lịch chia sẻ phương pháp xây dựng một phương án điều tra thông tin khách du lịch.
Phương án điều tra bao gồm các quy định và hướng dẫn thực hiện cuộc điều tra, xác định rõ những bước tiến hành, những vấn đề cần được giải quyết, cần được hiểu thống nhất trong suốt quá trình thực hiện. Mỗi phương án điều tra thường bao gồm các nội dung cơ bản sau:
1. Mục đích, yêu cầu điều tra
Xác định rõ mục đích, yêu cầu cho cuộc điều tra là việc làm đầu tiên của bất kỳ một cuộc điều tra nào. Cuộc điều tra nhằm tìm hiểu vấn đề gì, phục vụ cho yêu cầu nghiên cứu nào.
Mục đích yêu cầu của cuộc điều tra là một trong những căn cứ quan trọng để xây dựng phương án điều tra và dự toán kinh phí cho cuộc điều tra.
Cụ thể, nhằm hoàn thiện các chỉ tiêu, số liệu thông qua các hệ số k theo thông tư và một số mục tiêu khác, các mục đích điều tra có thể là:
– Xác định các hệ số k là số đêm lưu trú bình quân của một lượt khách du lịch (nội địa hoặc quốc tế) trên địa bàn, tỷ lệ giữa khách du lịch (nội địa hoặc quốc tế) có nghỉ qua đêm tại CSLT và số lượt khách du lịch tham quan trong ngày trên địa bàn và số bình quân về số cơ sở lưu trú khác nhau trong một chuyến du lịch của khách trên địa bàn để đảm bảo tính toán tổng số lượt khách du lịch trên địa bàn theo mẫu biểu số 01.Q/DL-SVHTTDL (Thông tư 27/2014/TT-BVHTTDL).
– Xác định được các chỉ tiêu về chi tiêu bình quân của khách du lịch (nội địa hoặc quốc tế) theo hình thức chuyến đi, theo loại hình dịch vụ sử dụng chủ yếu của khách nhằm hoàn thành chỉ tiêu Tổng thu từ khách du lịch trên địa bàn theo mẫu biểu số 01.Q/DL-SVHTTDL (Thông tư 27/2014/TT-BVHTTDL).
– Cung cấp thông tin khác giúp công tác nghiên cứu, quản lý, hoạch định chiến lược, quy hoạch và chính sách phát triển du lịch của Tỉnh/thành phố.
…
2. Phạm vi, đối tượng, đơn vị điều tra
– Phạm vi điều tra: Xác định rõ phạm vi không gian của cuộc điều tra.
– Đối tượng điều tra: là chỉ rõ tổng thể điều tra, cần được thu thập thông tin.
– Xác định đơn vị điều tra: giúp cho việc điều tra không bị trùng cũng như không bị sót.
Cụ thể, đối với điều tra thông tin khách du lịch:
– Phạm vi điều tra: tại các khu/ điểm du lịch được chọn trong tỉnh/thành phố.
– Đối tượng điều tra là Khách du lịch (nội địa hoặc quốc tế)
– Đơn vị điều tra: Mỗi khách du lịch (nội địa hoặc quốc tế) thuộc đối tượng, phạm vi điều tra là một đơn vị điều tra. Trường hợp khách đi theo nhóm gia đình, bạn bè, chỉ chọn một người đại diện để điều tra.
3. Loại điều tra
Có thể sử dụng loại điều tra toàn bộ hoặc không toàn bộ. Trong trường hợp điều tra khách du lịch, loại điều tra là điều tra chọn mẫu
Phương pháp điều tra chọn mẫu phân theo 3 bước:
Bước 1: Lập danh sách các khu, điểm du lịch tại Tỉnh/thành phố
Bước 2: Lựa chọn các khu/điểm du lịch để làm đại diện;
Bước 3: Chọn ngẫu nhiên khách du lịch để điều tra.
• Xác định cỡ mẫu:
Yêu cầu của cỡ mẫu là phải vừa đủ (không nhỏ quá hoặc không lớn quá) để vừa đảm bảo độ tin cậy cần thiết của số liệu điều tra, vừa đảm bảo phù hợp với điều kiện về nhân lực, kinh phí và có tính khả thi. Có hai phương pháp xác định quy mô cỡ mẫu: (1) Phương pháp toán học: việc xác định cỡ mẫu thường được dựa trên cơ sở tính toán theo công thức quy định trong kỹ thuật điều tra chọn mẫu và (2) Phương pháp phân tích chuyên gia: bằng những kinh nghiệm và sự am hiểu sâu sắc đối tượng nghiên cứu các chuyên gia đưa ra số lượng đơn vị điều tra của mẫu bảo đảm tính đại diện cao.
Đối với các cuộc điều tra thông tin khách du lịch tại tỉnh/thành phố, xác định cỡ mẫu thường sử dụng phương pháp chuyên gia. Để xác định số đơn vị mẫu hợp lý dựa vào các căn cứ như: căn cứ vào kinh nghiệm của địa phương khác hay của các cuộc điều tra trước để xác định số đơn vị cần điều tra; căn cứ vào yêu cầu nghiên cứu và khả năng về lực lượng cán bộ điều tra, kinh phí dùng cho điều tra.
Ngoài ra, việc xác định cỡ mẫu phải tính đến số mẫu dự phòng vì khi tiến hành điều tra có những phiếu không đủ tiêu chuẩn phải loại trừ (bao gồm những phiếu của những người không thuộc đối tượng điều tra, những phiếu không đạt yêu cầu…).
• Phân bổ phiếu điều tra:
Cần nghiên cứu về tổng thể để phân bổ phiếu điều tra đảm bảo tính đại diện của mẫu cho tổng thể (ví dụ: khách quốc tế thường phân bổ tỷ lệ theo thị trường khách; khách du lịch nội địa có thể phân bổ theo số lượng khách đến từng khu, điểm du lịch).
4. Thời điểm, thời gian và phương pháp điều tra
• Thời điểm điều tra: khi khách đang thực hiện chuyến đi du lịch tại các khu, điểm du lịch được chọn điều tra (cần chọn các khách đã thực hiện quá nửa thời gian chuyến đi tại địa phương theo dự kiến).
• Thời gian tiến hành điều tra: khoảng thời gian diễn ra cuộc điều tra
Việc xác định thời gian tiến hành điều tra khách du lịch cần được xem xét xác định dựa trên đặc điểm, tính chất mùa vụ du lịch tại địa phương để có được kết quả phản ánh toàn diện, khách quan nhất về mẫu nghiên cứu. Cuộc điều tra nên được tiến hành triển khai tại hai pha thời gian khác nhau (mùa du lịch và mùa không phải du lịch).
• Phương pháp điều tra: trực tiếp phỏng vấn khách, hoặc khách trả lời qua phiếu điều tra trực tuyến (tùy theo mục đích, yêu cầu của phương án điều tra).
5. Nội dung, phiếu điều tra
– Nội dung điều tra là những tiêu thức cần thu thập trong các đơn vị điều tra, các tiêu thức này cần được diễn giải bằng những câu hỏi ngắn gọn, rõ ràng trong phiếu điều tra. Nội dung điều tra chuyên môn được quyết định bởi mục đích điều tra.
– Phiếu điều tra là tập hợp các câu hỏi của nội dung điều tra, được sắp xếp theo một trật tự logic nhất định.
Phiếu điều tra được sử dụng để thu thập thông tin từ các đối tượng điều tra. Đồng thời được sử dụng để tổng hợp các chỉ tiêu thống kê cần thiết của cuộc điều tra.
Cần thống kê các câu hỏi để thu thập được các thông tin cần thiết cho cuộc điều tra một cách chính xác nhất. Phiếu điều tra phải được thiết kế một cách khoa học, thuận tiện cho điều tra viên và người cung cấp thông tin, những chỉ tiêu có liên quan đến nhau thì phải sắp xếp gần nhau để thuận tiện cho việc theo dõi và đối chiếu…
Thông thường đối với một cuộc điều tra thông tin khách du lịch:
+ Nội dung phiếu điều tra thường gồm 3 phần chính sau:
– Thông tin chung về khách: giới tính, nghề nghiệp, nhóm tuổi, thời gian lưu trú, quốc tịch, ngày nhập cảnh (đối với khách quốc tế), nơi cư trú…
– Thông tin về chuyến đi: phương tiện, hình thức chuyến đi, mục đích chuyến đi, loại hình lưu trú, thông tin tham khảo để quyết định chuyến đi, tổng chi tiêu và một số khoản chi tiêu chủ yếu của khách du lịch như¬: chi đi lại; chi ăn uống; chi lưu trú; chi tham quan; chi cho các dịch vụ văn hóa, vui chơi giải trí; chi cho y tế; chi mua hàng hóa, quà tặng.
Cần lưu ý một số khoản chi tiêu của khách không được tính đến là:
+ Tiền mua hàng hóa cho mục đích kinh doanh;
+ Tiền đầu tư: quyền sử dụng đất, bất động sản và các tài sản khác như xe ô tô, xe máy… kể cả việc mua tài sản để sử dụng cho chuyến đi du lịch lần sau;
+Tiền biếu, tặng họ hàng, bạn bè… trong chuyến đi.
– Đánh giá về chuyến đi: Một số nhận xét, đánh giá của khách du lịch đối với điểm du lịch, điều kiện vật chất, dịch vụ trên địa bàn.
Trong một cuộc điều tra, có thể phải lập một hoặc nhiều mẫu phiếu điều tra tương ứng với từng đối tượng điều tra, mỗi phiếu cần được ký hiệu riêng. Cần liệt kê tất cả các loại phiếu điều tra sử dụng cho cuộc điều tra với mã phiếu và loại phiếu.
6. Phân loại thống kê sử dụng trong điều tra
Phân loại thống kê được sử dụng thống nhất trong hoạt động thống kê, làm căn cứ để thống nhất sử dụng trong quản lý nhà nước. Nêu rõ các danh mục cần thiết sử dụng cho cuộc điều tra, chẳng hạn:
– Danh mục nước và vùng lãnh thổ được ban hành trong cuộc Tổng điều tra cơ sở kinh tế, hành chính, sự nghiệp năm 2012 (dành cho điều tra thông tin khách du lịch quốc tế).
– Danh mục các đơn vị hành chính theo Quyết định số 124/2004/QĐ-TTg ngày 08/7/2004 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành bảng danh mục và mã số các đơn vị hành chính Việt Nam…
7. Quy trình xử lý và biểu đầu ra của điều tra
7.1 Quy trình xử lý:
Thông tin thu thập được từ các đơn vị điều tra được xử lý theo các bước:
– Kiểm tra, làm sạch phiếu (mã hóa, chuẩn hóa thông tin trên phiếu điều tra);
– Xây dựng hệ thống biểu tổng hợp đầu ra;
– Xây dựng phần mềm nhập phiếu điều tra; tổng hợp kết quả điều tra (có thể sử dụng phần mềm SPSS, Excel hoặc lập chương trình riêng)
– Nhập phiếu điều tra;
– Tổng hợp kết quả điều tra;
– Kiểm tra kết quả tổng hợp đầu ra;
– Biên soạn số liệu kết quả điều tra;
– Phân tích kết quả điều tra và viết báo cáo tổng hợp điều tra.
7.2 Biểu đầu ra của điều tra:
Kết quả điều tra được tổng hợp theo hệ thống biểu tổng hợp đầu ra. Các biểu đầu ra được tổng hợp theo các nội dung như trong phiếu điều tra:
– Các biểu tổng hợp về Đặc điểm của khách được điều tra (nơi cư trú, giới tính, độ tuổi…);
– Các biểu tổng hợp về các thông tin liên quan đến Chuyến đi của khách được điều tra (loại hình chuyến đi, chi tiêu…);
– Các biểu tổng hợp về Đánh giá của khách được điều tra về chuyến đi và điểm đến tham quan (thái độ phục vụ, chất lượng dịch vụ, cảnh quan…).
8. Kế hoạch tiến hành điều tra
Kế hoạch quy định cụ thể từng bước công việc phải tiến hành trong quá trình từ khâu tổ chức đến triển khai điều tra thực tế, nêu rõ thời gian tiến hành thực hiện từng bước.
Một kế hoạch bao gồm các nội dung sau:
(1) Xây dựng phương án điều tra
(2) Xin ý kiến thẩm định phương án của cơ quan thống kê trung ương, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt
(3) Phổ biến Phương án, tuyển chọn điều tra viên, giám sát viên, in ấn tài liệu, phiếu điều tra, tập huấn nghiệp vụ và chuẩn bị công việc liên quan khác
(4) Triển khai điều tra
– Triển khai công tác điều tra thông tin khách du lịch;
– Tập hợp phiếu điều tra thu được.
(5) Xây dựng hệ thống biểu tổng hợp đầu ra kết quả điều tra
(6) Lập chương trình phần mềm (Nhập, kiểm tra, và tổng hợp dữ liệu)
(7) Triển khai nhập phiếu
– Kiểm tra, nghiệm thu, làm sạch phiếu;
– Nhập phiếu;
(8) Triển khai tổng hợp số liệu
– Tổng hợp kết quả điều tra;
– Biên soạn và phân tích kết quả điều tra;
– Báo cáo và nghiệm thu kết quả điều tra.
9. Tổ chức điều tra
Cần nêu rõ các thông tin về các cơ quan, đơn vị, cá nhân liên quan đến công tác thực hiện điều tra, bao gồm: cơ quan chỉ đạo; đơn vị chủ trì; đơn vị phối hợp; và điều tra viên, giám sát viên.
– Để tiến hành thu thập được thông tin cần phải có đội ngũ điều tra viên, giám sát viên. Chất lượng của cuộc điều tra phụ thuộc rất nhiều vào chất lượng của điều tra viên. Tuyển chọn điều tra viên và giám sát viên có đủ trình độ và năng lực để hoàn thành tốt nhiệm vụ điều tra.
Các điều tra viên, giám sát viên phải được tập huấn kỹ về nghiệp vụ, phân công nhiệm vụ một cách rõ ràng, cụ thể trước khi tiến hành điều tra để đảm thông tin đạt chất lượng theo phương án điều tra.
Do khách du lịch đang đi tham quan tại các khu, điểm du lịch, hoặc đang thực hiện những kế hoạch riêng, nên việc thu thập thông tin cần được tiến hành linh hoạt, tranh thủ những khoảng trống về thời gian.
– Phối hợp chặt chẽ với các Ban Quản lý hoặc cơ quan chủ quản khu/ điểm du lịch được lựa chọn điều tra. Thống nhất chương trình, lịch, mục đích, nội dung, yêu cầu và các lưu ý cần thiết với các đơn vị này và đề nghị họ tạo điều kiện thuận lợi cho các điều tra viên, giám sát viên triển khai nhiệm vụ.
10. Kinh phí điều tra
Dự trù kinh phí cần đảm bảo các mục sau: xây dựng phương án, thiết kế, in ấn tài liệu, phiếu điều tra; tập huấn đào tạo; thù lao cho điều tra viên, giám sát viên; công tác phí, phương tiện, trang thiết bị cho cuộc điều tra; kinh phí cho xử lý, tổng hợp và phân tích kết quả điều tra.
Phần này nêu rõ các nội dung về:
– Nguồn kinh phí
– Tổng kinh phí đảm bảo thực hiện Phương án điều tra (có dự toán kèm theo Phương án).
– Chế độ tài chính: Thực hiện theo Thông tư 109/2016/TT-BTC của Bộ Tài chính ban hành ngày 30/6/2016 về việc quy định lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí thực hiện các cuộc điều tra thống kê, Tổng điều tra thống kê quốc gia và theo các quy định hiện hành của Nhà nước.
Tài liệu tham khảo:
– Luật Thống kê số 89/2015/QH13 ngày 23/11/2015 của Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam;
– Thông tư số 109/2016/TT-BTC của Bộ Tài chính ban hành ngày 30/6/2016 về Quy định lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí thực hiện các cuộc điều tra thống kê, Tổng điều tra thống kê quốc gia;
– Phương án điều tra thông tin khách quốc tế đến Việt Nam 2014 của Tổng cục Du lịch;
– Phương án điều tra thông tin khách du lịch nội địa 2015-2016 của Tổng cục Du lịch;
– Tài liệu bồi dưỡng nghiệp vụ thống kê – Tổng cục Thống kê 2012;
– Khuyến nghị quốc tế về thống kê du lịch (International Recommendations for Tourism Statistics) – Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO) 2008.
ThS. Phan Thái Hà – ThS. Lê Phương Anh