Thừa Thiên Huế: Công nghệ số và hành trình quảng bá di sản, thúc đẩy du lịch
Số hóa tài liệu Hán Nôm là công việc được Thư viện Tổng hợp tỉnh Thừa Thiên Huế đã và đang thực hiện
Việc này được xem như là công cụ để duy trì, gìn giữ, phát huy và nâng tầm các giá trị di sản, văn hóa truyền thống trên địa bàn tỉnh.
Theo ngành văn hóa, những năm qua, hệ thống các di tích, hiện vật, tư liệu, các lễ hội tiêu biểu, có giá trị trên địa bàn tỉnh đã được kiểm kê, chuẩn hóa thông tin, lý lịch khoa học kèm bản chụp các hình ảnh về di tích, hiện vật, tư liệu, lễ hội. Có thể kể đến việc ứng dụng công nghệ số mạnh mẽ, như Trung tâm Bảo tồn Di tích Cô đô Huế với rất nhiều giải pháp chuyển đổi, ứng dụng công nghệ số hóa 3D cho khách tham quan, trải nghiệm cũng như phục dựng, scan số hóa các di tích.
Hay như việc số hóa hàng trăm ngàn trang tài liệu Hán Nôm được sưu tầm, bao gồm sắc phong, chế, chiếu chỉ, lệnh chỉ, gia phả, địa bạ, đinh bạ, văn bằng, văn bản hành chính, văn cúng đang lưu giữ tại các dòng họ, làng… của Thư viện Tổng hợp tỉnh.
Đại diện Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cho hay, đã và đang ứng dụng mạnh mẽ công nghệ số hóa. Việc áp dụng công nghệ số góp phần quan trọng, mang lại nhiều lợi ích cho công cuộc bảo tồn và phát huy giá trị di sản Huế. Đặc biệt là việc lưu trữ, phục vụ công tác bảo tồn, trùng tu di tích về lâu dài. Trong thời gian tới, đơn vị sẽ triển khai hệ thống vé điện tử, hệ thống camera tập trung, hệ thống mạng wifi kết nối giữa các địa điểm di tích và hoàn thiện hệ thống số hóa cảnh quan đi tích.
TS. Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao cho biết, ngành văn hóa thời gian tới sẽ tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi trên cơ sở lựa chọn, ưu tiên các lĩnh vực quan trọng. Trong đó, đẩy nhanh tiến độ thực hiện đề án tổng kiểm kê di sản văn hóa, lễ hội trên địa bàn tỉnh. Việc này tạo cơ sở để cung cấp nguồn thông tin, dữ liệu đầu vào phục vụ cho mục đích chuyển đổi số trong lĩnh vực di sản văn hóa.
Ngoài ra, tập trung thực hiện số hóa và triển khai ứng dụng trên các nền tảng số đối các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể và di sản tư liệu được UNESCO ghi danh và các di tích đã được xếp hạng. Đặc biệt, ưu tiên số hóa các di sản UNESCO, các di tích quốc gia đặc biệt, hệ thống di tích về Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Thừa Thiên Huế bằng công nghệ VR3D để phục vụ công tác lưu trữ, quản lý, nghiên cứu, bảo tồn, khai thác, quảng bá di sản, thúc đẩy phát triển du lịch bền vững.
Theo ông Hải, ngành cũng ưu tiên xây dựng hệ thống bản đồ số về văn hóa, di sản, xác định tọa độ GPS, cập nhật đường đi và thông tin khái quát về các địa điểm văn hóa, di sản để phục vụ người dân, du khách tra cứu thông tin. Cùng với đó có hệ thống thư viện thông minh, liên thông dữ liệu số hệ thống thư viện từ tỉnh đến cơ sở.
Chia sẻ về câu chuyện chuyển đổi số trong di sản và thúc đẩy phát triển du lịch, ông Cao Hoàng Anh, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư Thương mại và Phát triển Công nghệ FSI nói rằng, quá trình thực hiện số hóa di tích, di sản cần được triển khai một cách toàn diện đối với các đơn vị trong ngành, đặc biệt là các đơn vị trong khối di sản văn hóa của mỗi địa phương.
Từ việc khảo sát, tập hợp, xây dựng cơ sở dữ liệu phục vụ số hóa, đến việc xây dựng kho dữ liệu số dùng chung cần được thực hiện bài bản, theo quy trình. Các đơn vị đã số hóa dữ liệu, có cơ sở dữ liệu riêng cần sớm thực hiện tích hợp, chia sẻ dữ liệu với các bên liên quan.
“Việc số hóa và ứng dụng các thành tựu công nghệ 4.0 được xem là một bước tiến quan trọng để làm tốt công tác bảo tồn di sản. Đồng thời, đây sẽ là cầu nối để đưa các di sản, văn hóa đến gần hơn với công chúng, thu hút khách du lịch, từ đó phát huy giá trị văn hóa. Hệ thống các di sản văn hóa số sẽ thành những sản phẩm du lịch thời cách mạng công nghiệp 4.0, góp phần phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh”, ông Anh nhấn mạnh.
Bài, ảnh: Nhật Minh
Báo Thừa Thiên Huế Online -baothuathienhue.vn