Skip to content
  1. Home
  2. »
  3. Hoạt động
  4. »
  5. Tín hiệu tích cực cho thị trường du lịch tàu…

Tín hiệu tích cực cho thị trường du lịch tàu biển Việt Nam

Tàu SuperStar Aquarius (hãng tàu Star Cruise) đưa khách tham quan tại thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh (Ảnh: TITC/Truyền Phương)

Theo dự báo của Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO), du lịch bằng tàu biển đến năm 2020 trên thế giới có xu thế chuyển dịch và phát triển mạnh mẽ tại khu vực châu Á. Nhiều hãng tàu lớn trên thế giới thường đưa khách đi theo tuyến châu Âu – châu Mỹ – Địa Trung Hải đã bắt đầu khai thác tuyến du lịch sang khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Khu vực này không những trở thành một điểm đến hấp dẫn mà còn là thị trường khai thác lớn cho các hãng du lịch tàu biển thế giới.

Không nằm ngoài xu thế đó, Việt Nam với những điều kiện thuận lợi đã tạo nên sức hút về du lịch biển đối với du khách trong nước và quốc tế. Được mệnh danh là quốc gia “rừng vàng, biển bạc”, tạo hóa ưu ái cho nước ta đường bờ biển dài với hàng ngàn hòn đảo lớn nhỏ, những bãi tắm trải dài ngút mắt, hệ sinh thái đa dạng phong phú và những vịnh biển nổi tiếng trên bản đồ du lịch thế giới như vịnh Hạ Long, vịnh Nha Trang, vịnh Vĩnh Hy, vịnh Lăng Cô…

Bên cạnh đó, Việt Nam có vị trí thuận lợi nằm giữa hai trung tâm du lịch tàu biển lớn nhất khu vực là Hong Kong và Singapore – nơi phát triển mạnh về kinh tế, trong đó có du lịch. Vì vậy, dải ven biển dài trên 3.200 km được coi là “cánh cửa lớn” đưa Việt Nam tiếp cận với các nước trong khu vực và thế giới thông qua biển Đông.

Từ những lợi thế này, ngành du lịch tàu biển Việt Nam đang có những tín hiệu lạc quan thông qua việc số lượng khách quốc tế đến bằng tàu biển ngày càng gia tăng. Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, trong số hơn 10 triệu lượt khách quốc tế đến Việt Nam năm 2016, có 284.855 lượt khách đến bằng phương tiện đường biển, tăng 67,7% so với năm 2015. Trong 6 tháng đầu năm 2017, số khách đến bằng phương tiện đường biển đạt 170.843 lượt, tăng 26% so với cùng kỳ năm trước.

Việt Nam đang được xem là thị trường hấp dẫn của các hãng tàu biển lớn trên thế giới như Royal Caribbean International (Mỹ), Star Cruises, Costa Crociere S.p.A, đón nhiều lượt tàu quốc tế cao cấp với lượng khách lên đến hàng nghìn người: Ngày 6/2/2017, tàu du lịch biển quốc tế Celebrity Millennium (hãng Royal Caribbean Cruises Lines) đã đưa 2.150 du khách quốc tế và hơn 950 thủy thủ đoàn cập cảng Chân Mây (Thừa Thiên – Huế). Ngày 10/4/2017, tàu biển cao cấp Diamond Princess (thuộc Tập đoàn Carnival Corporation & Plc, Mỹ) đã đưa hơn 2.700 du khách và khoảng 1.200 thủy thủ đoàn cập cảng Chân Mây…

Gần đây nhất, vào ngày 23/6/2017, du thuyền Majestic Princess (hãng Princess Cruises) đã cập cảng Phú Mỹ (Bà Rịa – Vũng Tàu) chở theo 1.340 nhân viên và 3.560 khách quốc tế đến Việt Nam.

Có thể thấy, du lịch tàu biển tại nước ta đang có những tín hiệu tích cực, tuy nhiên theo các chuyên gia nghiên cứu, tốc độ phát triển này còn chưa tương xứng với tiềm năng. Để nâng cao tính hấp dẫn và thu hút đối tượng khách này cần tiếp tục cải thiện chính sách, hạ tầng, cơ sở vật chất và sản phẩm dịch vụ du lịch.

Hiện nay khách quốc tế nhập cảnh bằng đường biển vào Việt Nam đang được áp dụng chính sách cấp thị thực với mức phí 5 USD/ người, đồng thời thủ tục nhập cảnh được đơn giản hóa, rút ngắn thời gian chờ đợi của du khách.

Về cảng biển phục vụ đón tàu biển du lịch, một số cảng nước sâu hiện đang duy trì đón tàu khách quốc tế như cụm cảng Thị Vải – Cái Mép (Bà Rịa – Vũng Tàu), cảng Phú Mỹ (Bà Rịa – Vũng Tàu), Chân Mây (Thừa Thiên – Huế), Tiên Sa (Đà Nẵng), Hạ Long (Quảng Ninh), Cam Ranh (Khánh Hòa)…

Trong đó, cảng Chân Mây là một trong 46 cảng biển được Hiệp hội Du thuyền châu Á lựa chọn xây dựng là điểm dừng chân cho các du thuyền ở khu vực Đông Nam Á. Sau khi nâng cấp cảng có khả năng đáp ứng nhu cầu đưa đón khách của các hãng tàu nổi tiếng trên thế giới. Dự kiến trong năm 2017, cảng Chân Mây sẽ đón khoảng 54 chuyến tàu du lịch biển các loại với hơn 113.000 du khách quốc tế và 45.000 thuỷ thủ đoàn đến tham quan tại các tỉnh duyên hải miền Trung.

Hay như tại cảng Cái Mép (Bà Rịa – Vũng Tàu) – một trong những cảng đa chức năng đang dần ghi dấu trên bản đồ hàng hải thế giới trong hoạt động trung chuyển quốc tế. Hàng năm, cảng đã đón nhiều lượt tàu du lịch quốc tế, trong đó có tàu du lịch cao cấp Genting Dream (Tập đoàn Du lịch tàu biển Genting Hong Kong và Dream Cruise Line) đưa 2.044 khách từ Singapore đến tham quan Việt Nam vào ngày 8/11/2016. Đặc biệt, sự kiện đón siêu tàu container Margrethe Maersk có trọng tải 194.000 tấn cập cảng ngày 20/2/2017 đã đưa cảng Cái Mép trở thành một trong 19 cảng nước sâu trên toàn thế giới có đủ năng lực tiếp nhận tàu khoảng 200.000 tấn.

Đáng chú ý, dự án Cảng hành khách quốc tế Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang) hiện đang trong quá trình hoàn thành, sẽ là Cảng hành khách đa chức năng đạt tiêu chuẩn quốc tế đầu tiên tại Việt Nam. Sau khi đưa vào sử dụng, cảng có năng lực tiếp nhận tàu khách quốc tế và hàng hóa với công suất lớn, sức chở từ 5.000 – 6.000 hành khách. Từ đó góp phần thúc đẩy du lịch, tạo động lực phát triển kinh tế – xã hội tại huyện đảo Phú Quốc nói riêng và tỉnh Kiên Giang nói chung.

Được khánh thành và đưa vào sử dụng từ tháng 9/2015, Cảng tàu khách quốc tế Tuần Châu tiếp nhận được phương tiện tàu thủy nước ngoài, đồng thời đây cũng là cảng du thuyền nhân tạo lớn nhất Việt Nam. Sau khi nâng cấp dịch vụ (từ tháng 11/2016), cảng đã trở thành một không gian phức hợp cao cấp với hệ thống nhà ga, nhà chờ, khu điều hành, khách sạn nghỉ dưỡng, nhà hàng, trung tâm thương mại, sân golf, bệnh viện quốc tế… và có khả năng tiếp nhận 2.000 tàu neo đậu, đón trả khách, góp phần nâng cao năng lực phục vụ khách du lịch tham quan vịnh Hạ Long.

Với tiềm năng sẵn có và triển vọng phát triển, thị trường du lịch tàu biển nước ta có thể đóng góp vào phát triển kinh tế cho các địa phương có lợi thế về du lịch biển như Hạ Long, Đà Nẵng, Huế, Nha Trang, Phú Quốc… Về lâu dài, để phát triển mạnh loại hình du lịch tàu biển, cần đầu tư xây dựng hệ thống cảng chuyên dụng phục vụ du lịch hoặc cảng đa năng có năng lực tiếp đón hành khách và hàng hóa công suất lớn; phát triển đa dạng các dịch vụ cho khách đi tàu biển như city tour, dịch vụ vui chơi giải trí, mua sắm, ẩm thực đặc sắc tại địa phương nơi tàu neo đậu; tiếp tục xây dựng cơ chế thông thoáng, đơn giản hóa thủ tục xuất nhập cảnh cho du khách…

 

Khánh Trang