Skip to content
  1. Home
  2. »
  3. CNTT và thông tin
  4. »
  5. Trung tâm Thông tin du lịch hỗ trợ huyện Cô…

Trung tâm Thông tin du lịch hỗ trợ huyện Cô Tô thực hiện chuyển đổi số du lịch

Toàn cảnh buổi làm việc. Ảnh: TITC

Tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND huyện Cô Tô Đỗ Huy Thông cho biết, năm 2022, Cô Tô đã đón được khoảng 215.000 lượt khách. Nhờ sự phát triển du lịch, tàu đến Cô Tô phần lớn là tàu 4 – 5 sao, mỗi tàu có thể chở từ 200 – 300 khách/lượt. Hoạt động chuyển đổi số trên toàn huyện cũng đang được triển khai tích cực, các tuyến đường, các điểm di tích ở đây phần lớn đều được gắn mã QR để tra cứu thông tin thuận tiện và nhanh chóng.

Bên cạnh những kết quả tích cực, Cô Tô vẫn còn gặp một số khó khăn về nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn để triển khai hoạt động chuyển đổi số; hệ thống cơ sở hạ tầng, trang thiết bị còn hạn chế; người kinh doanh du lịch còn chậm trong việc khai thác các tiện ích số.

Phó Chủ tịch UBND huyện Cô Tô Đỗ Huy Thông tại buổi làm việc. Ảnh: TITC

Phó Chủ tịch UBND huyện đề xuất, Trung tâm Thông tin du lịch hỗ trợ huyện trong quảng bá hình ảnh du lịch trên các nền tảng số của Tổng cục Du lịch, hỗ trợ quảng bá du lịch tới du khách quốc tế; đồng thời hỗ trợ huyện triển khai các ứng dụng chuyển đổi số phù hợp với tình hình của địa phương; hỗ trợ tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn để khai thác, vận hành, ứng dụng các các nền tảng số của Tổng cục Du lịch.

Phó Giám đốc điều hành Trung tâm Thông tin du lịch Hoàng Quốc Hòa. Ảnh: TITC

Phó Giám đốc điều hành Trung tâm Thông tin du lịch (Tổng cục Du lịch) Hoàng Quốc Hòa đánh giá cao những kết quả huyện Cô Tô đã đạt được trong thời gian vừa qua, đặc biệt trong vấn đề bảo vệ môi trường, hạn chế rác thải nhựa và nói không với túi nilong. Đồng thời, huyện cũng đã xác định nhiệm vụ trọng tâm của toàn ngành là chuyển đổi số và truyền thông số. Để khắc phục những vấn đề còn tồn đọng, Phó Giám đốc Hoàng Quốc Hòa cho rằng, huyện cần hợp tác với các đơn vị có chuyên môn về cơ sở hạ tầng, cung cấp trang thiết bị để phục vụ công việc. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương cần nâng cao trình độ chuyên môn, tăng cường đào tạo nguồn nhân lực về công tác chuyển đổi số trong quản lý nhà nước và kinh doanh du lịch. Ngoài ra, cần tuyên truyền để thay đổi nhận thức của người dân về tầm quan trọng của việc ứng dụng công nghệ trong phát triển du lịch địa phương. 

Đại diện Trung tâm Thông tin du lịch giới thiệu về hệ sinh thái du lịch thông minh tầm quốc gia. Ảnh: TITC

Với vai trò là đơn vị đầu mối trong lĩnh vực chuyển đổi số du lịch, thực hiện nhiệm vụ do Bộ VHTTDL và Tổng cục Du lịch giao, thời gian qua, Trung tâm Thông tin du lịch đã tập trung xây dựng và triển khai hệ sinh thái du lịch thông minh theo hướng thống nhất và đồng bộ trên toàn quốc. Các nền tảng số cốt lõi được kết nối chặt chẽ và liên thông với nhau, dành cho 4 đối tượng chính là cơ quan quản lý, cơ sở kinh doanh du lịch, hướng dẫn viên và khách du lịch. Các sản phẩm này được sử dụng rộng rãi trong hoạt động du lịch, trong đó có: hệ thống cơ sở dữ liệu du lịch Việt Nam phục vụ công tác quản lý nhà nước về du lịch từ Trung ương đến địa phương; Dashboard tích hợp thông tin điều hành du lịch giúp cơ quan quản lý tổng hợp số liệu quan trọng; hệ thống báo cáo thống kê du lịch được quy định tại Thông tư số 18/2021/TT-BVHTTDL của Bộ VHTTDL; Thẻ Việt – Thẻ du lịch thông minh định danh khách hàng, hỗ trợ giao dịch an toàn, nhanh chóng; ứng dụng du lịch quốc gia “Du lịch Việt Nam – Vietnam Travel” với những tính năng ưu việt nâng cao trải nghiệm cho du khách cùng tính năng phản ánh bảo vệ quyền lợi của du khách; ứng dụng “Quản trị và Kinh doanh du lịch” tích hợp nhiều tiện ích trong hoạt động kinh doanh; “Trang vàng du lịch Việt Nam” hỗ trợ quản lý bán hàng, tương tác với khách du lịch; hệ thống vé điện tử áp dụng tại các điểm tham quan kiểm soát tối ưu quy trình quản lý vận hành, thanh toán thuận tiện cho du khách.

Đặc biệt, đối với công tác xúc tiến quảng bá du lịch, Trung tâm Thông tin du lịch luôn chú trọng đẩy mạnh trền thông trên các website và các trang mạng xã hội của Tổng cục Du lịch. Trong đó, website https://vietnamtourism.gov.vn phục vụ công tác quản lý nhà nước; website https://vietnam.travel quảng bá hình ảnh Việt Nam ra thế giới; cùng với đó là các trang mạng xã hội như Facebook, Instagram, Zalo, Youtube…

Hệ sinh thái chuyển đổi số ở tầm quốc gia của Tổng cục Du lịch sẽ khắc phục tình trạng “trăm hoa đua nở”, thiếu tính tương tác, đồng thời tiết kiệm chi phí và đảm bảo tính nhất quán cho người dùng.

Phó Giám đốc Hoàng Quốc Hòa nhận định, để công tác truyền thông và chuyển đổi số trong lĩnh vực du lịch đạt kết quả tích cực, bên cạnh việc quảng bá hình ảnh, thương hiệu du lịch Quảng Ninh trên các kênh truyền thông số của Tổng cục Du lịch, huyện Cô Tô cần triển khai hệ thống vé điện tử, hệ thống thuyết minh đa phương tiện tại các điểm tham quan du lịch, vui chơi giải trí trên địa bàn. Giới thiệu, quảng bá sản phẩm, dịch vụ du lịch huyện trên Trang vàng du lịch Việt Nam. Cùng với đó, đẩy mạnh số hóa và tích hợp dữ liệu vào hệ thống cơ sở dữ liệu theo nội dung văn bản số 1818 ngày 04/11/2022 của Tổng cục Du lịch. Trung tâm Thông tin du lịch luôn sẵn sàng phối hợp với huyện Cô Tô để xây dựng, triển khai công tác số hóa điểm đến, ứng dụng các nền tảng số cốt cõi trong hệ sinh thái du lịch thông minh; đào tạo, tập huấn sử dụng các nền tảng số của Tổng cục Du lịch; đồng thời sẽ hỗ trợ huyện xúc tiến, quảng bá du lịch trên các kênh truyền thông số của Tổng cục Du lịch.

Trung tâm Thông tin du lịch