Skip to content
  1. Home
  2. »
  3. CNTT và thông tin
  4. »
  5. Trung tâm Thông tin du lịch tiếp và làm việc…

Trung tâm Thông tin du lịch tiếp và làm việc với đoàn công tác tỉnh Yên Bái về hỗ trợ chuyển đổi số trong lĩnh vực du lịch

Toàn cảnh chương trình làm việc. Ảnh: TITC

Dự buổi làm việc về phía đoàn công tác có ông Nguyễn Duy Khiêm – Phó Cục trưởng Cục Chuyển đổi số quốc gia (Bộ Thông tin và Truyền thông) kiêm Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Yên Bái; bà Vũ Thị Mai Oanh – Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Yên Bái; ông Lương Mạnh Hà – Phó Chủ tịch UBND thị xã Nghĩa Lộ; ông Nguyễn Lê Dũng – Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Bình; cùng các cán bộ thuộc Phòng Văn hóa – Thông tin huyện, thị xã, một số doanh nghiệp du lịch trên địa bàn. Về phía Trung tâm Thông tin du lịch (Tổng cục Du lịch) có ông Hoàng Quốc Hòa – Phó Giám đốc điều hành; cùng các cán bộ phòng ban liên quan. Cùng dự có lãnh đạo Tập đoàn công nghệ Vietsens – đơn vị tư vấn về giải pháp chuyển đổi số; một số doanh nghiệp lữ hành trên địa bàn Hà Nội.

Phó Cục trưởng Cục Chuyển đổi số quốc gia (Bộ Thông tin và Truyền thông) Nguyễn Duy Khiêm phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: TITC

Phát biểu tại buổi làm việc, ông Nguyễn Duy Khiêm – Phó Cục trưởng Cục Chuyển đổi số quốc gia (Bộ Thông tin và Truyền thông), Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Yên Bái cho biết, tỉnh xác định tập trung phát triển du lịch thành một ngành kinh tế quan trọng, đóng góp vào phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh. Yên Bái đang tập trung thực hiện Nghị quyết số 28 của Tỉnh ủy về phát triển du lịch, Nghị quyết số 51 của Tỉnh ủy về chuyển đổi số. Tuy nhiên, trong thời gian vừa qua, Yên Bái vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong triển khai ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số.

Ông Khiêm bày tỏ mong muốn với buổi làm việc ngày hôm nay, trên cơ sở định hướng của cơ quan của Trung ương cùng sự chia sẻ kinh nghiệm, cách làm của doanh nghiệp sẽ giúp cho tỉnh thực hiện chuyển đổi số trong lĩnh vực du lịch hiệu quả và đảm bảo tính bền vững, lâu dài. Đây cũng là lần đầu tiên tỉnh Yên Bái có sự tham gia, vào cuộc của Trung ương về phát triển du lịch gắn với chuyển đổi số.

Phó Giám đốc điều hành Trung tâm Thông tin du lịch (Tổng cục Du lịch) Hoàng Quốc Hòa phát biểu chào mừng. Ảnh: TITC

Chào mừng đoàn công tác tỉnh Yên Bái đến làm việc, Phó Giám đốc điều hành Trung tâm Thông tin du lịch (Tổng cục Du lịch) Hoàng Quốc Hòa cho biết, với vai trò là đơn vị đầu mối về chuyển đổi số du lịch, trong thời gian qua, Trung tâm đã tập trung triển khai xây dựng hệ sinh thái du lịch thông minh. Ông Hòa nhấn mạnh, để hoạt động chuyển đổi số đi vào đời sống, cần phải tạo môi trường du lịch số. Cụ thể, các cơ quan quản lý nhà nước về du lịch, khách du lịch, doanh nghiệp lữ hành, cơ sở kinh doanh du lịch, hướng dẫn viên đều phải hoạt động trong môi trường số, sử dụng các công cụ, nền tảng số du lịch thống nhất, đồng bộ.

Đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ cũng đã chỉ đạo năm 2023 là “Năm dữ liệu số, tạo lập và khai thác dữ liệu để tạo ra giá trị mới” với nhiệm vụ trọng tâm là số hóa, xây dựng, kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các bộ, ngành, địa phương. Vì vậy tỉnh cần bám sát chủ trương chung để triển khai.

Phó Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Yên Bái Vũ Thị Mai Oanh giới thiệu về tình hình phát triển du lịch tỉnh Yên Bái. Ảnh: TITC

Về tình hình phát triển du lịch của tỉnh Yên Bái, Phó Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Yên Bái Vũ Thị Mai Oanh cho biết, Yên Bái là địa phương nằm ở vị trí cửa ngõ vào khu vực Tây Bắc, có thể dễ dàng tiếp cận thông qua tuyến cao tốc Hà Nội – Lào Cai. Tỉnh có rất nhiều tiềm năng để phát triển du lịch với nguồn tài nguyên thiên nhiên và văn hóa độc đáo. Trong những năm qua, cùng với sự vào cuộc của chính quyền địa phương, ngành du lịch tỉnh đang ngày càng phát triển. Năm 2020, tỉnh đón 760 nghìn lượt khách du lịch. Năm 2022, tỉnh đón 1,5 triệu lượt khách du lịch và trong 6 tháng đầu năm 2023 dự kiến sẽ đón 1 triệu lượt khách.

Với những thế mạnh về tài nguyên thiên nhiên và văn hóa đa dạng, tỉnh Yên Bái đang phát triển các loại hình sản phẩm du lịch chủ yếu như du lịch mạo hiểm, du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, du lịch văn hóa – lịch sử… nhằm nỗ lực tạo thành hệ sinh thái du lịch phát triển bền vững.

Hiện nay, một nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh Yên Bái đặt ra là phát triển du lịch gắn với chuyển đổi số, tạo lập cơ sở dữ liệu chung với toàn ngành. Phó Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Yên Bái cũng kỳ vọng thông qua thúc đẩy chuyển đổi số sẽ góp phần quảng bá mạnh mẽ về du lịch Yên Bái, thay đổi nhận thức, tư duy của người dân để thấy được giá trị của du lịch, nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý nhà nước và kinh doanh du lịch.

Phó Chủ tịch UBND thị xã Nghĩa Lộ Lương Mạnh Hà giới thiệu về tiềm năng du lịch thị xã Nghĩa Lộ. Ảnh: TITC

Giới thiệu về tiềm năng du lịch của thị xã Nghĩa Lộ, ông Lương Mạnh Hà – Phó Chủ tịch UBND thị xã Nghĩa Lộ nhấn mạnh, bên cạnh những tiềm năng về thiên nhiên, thị xã còn có lợi thế với nền văn hóa đậm đà bản sắc, là nơi sinh sống của đồng bào các dân tộc. Đặc biệt, nghệ thuật xòe Thái đã được UNESCO ghi danh là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Điều này đã tạo nên sức lan tỏa rất lớn đến các cộng đồng. Cùng với đó, 5 địa danh đã được xếp hạng cấp quốc gia là di tích Căng và Đồn Nghĩa Lộ, Khu Ủy Tây Bắc, di tích Nậm Tốc Tát, Thành Viềng Công, đền Cầm Hánh. Nghĩa Lộ còn vị trí thuận lợi, là trung tâm kết nối các địa phương, các địa danh du lịch. Thị xã cũng đã và đang là địa chỉ thu hút các nhà đầu tư, doanh nghiệp đầu tư xây dựng các khu nghỉ dưỡng, khách sạn, sân golf, khu khoáng nóng… Các loại hình du lịch nổi bật tại đây là du lịch cộng đồng, lịch sử – văn hóa, tâm linh, MICE.

Về hoạt động chuyển đổi số, Phó Chủ tịch UBND thị xã Nghĩa Lộ cho biết vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Thị xã Nghĩa Lộ đã đề ra kế hoạch chuyển đổi số với 04 mục tiêu cụ thể là: 100% các khu, điểm du lịch và văn hóa đặc sắc của Nghĩa Lộ được tạo lập cơ sở dữ liệu; 100% cơ sở kinh doanh homestay, cơ sở lưu trú và nhà hàng, khách sạn sử dụng nền tảng số phục vụ công tác quản lý, quảng bá và kết nối cung – cầu; 100% khách đến/đi được tiếp cận và được chăm sóc bởi công nghệ; 100% thông tin được khai thác, hỗ trợ ra quyết định cho chính quyền, cơ sở cung cấp dịch vụ du lịch, sản phẩm du lịch.

Để cụ thể hóa các mục tiêu trên, thị xã cũng đưa ra một số giải pháp cần thực hiện như: xây dựng cơ sở dữ liệu và triển khai các nền tảng số về du lịch; truyền thông trước, trong và sau khi khách du lịch đến với Nghĩa Lộ; đẩy mạnh phương thức thanh toán không dùng tiền mặt; nâng cao giá trị di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại nghệ thuật Xòe Thái thông qua công nghệ số; đảm bảo an toàn, an ninh mạng…

Phó Chủ tịch UBND thị xã Nghĩa Lộ Lương Mạnh Hà đề xuất Trung tâm Thông tin du lịch (Tổng cục Du lịch) hỗ trợ triển khai các nền tảng số về du lịch, số hóa thông tin cơ sở lưu trú, nhà hàng, di sản văn hoá phi vật thể, điểm du lịch, điểm tham quan, hướng dẫn viên; xây dựng bản đồ số về du lịch Nghĩa Lộ; triển khai sử dụng Thẻ Việt – Thẻ du lịch quốc gia; triển khai hệ thống báo cáo thống kê du lịch…

Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Bình Nguyễn Lê Dũng giới thiệu về du lịch huyện Yên Bình. Ảnh: TITC

Về phía huyện Yên Bình, theo Phó Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Lê Dũng, Yên Bình nằm ở cửa ngõ phía nam của tỉnh Yên Bái, nổi tiếng là vùng đất giàu tài nguyên về phát triển du lịch trong đó nổi bật là không gian hồ Thác Bà rộng lớn với nhiều cảnh quan, hang động đẹp, được ví như “vịnh Hạ Long trên núi”. Khu du lịch Hồ Thác Bà đã được quy hoạch phát triển thành khu du lịch quốc gia, là trung tâm kết nối của cả vùng.

Yên Bình tập trung phát triển các sản phẩm du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch tâm linh, du lịch lễ hội… Văn hóa ẩm thực độc đáo với nhiều món ăn dân dã, đặc sản hấp dẫn của đồng bào các dân tộc như: cơm lam, thịt trâu sấy, mắm lợn, vịt om, măng ngâm…

Trong năm 2023, huyện Yên Bình sẽ tiếp tục duy trì các sản phẩm du lịch đặc trưng, cùng với đó nghiên cứu xây dựng các sản phẩm du lịch mới như: du lịch thể thao, du lịch nông nghiệp, du lịch giáo dục, du lịch mạo hiểm – trải nghiệm các giá trị địa hình núi cao, thám hiểm hang động. Đồng thời, tăng cường đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá du lịch.

Để triển khai công tác chuyển đổi số trong hoạt động du lịch tại địa phương, huyện Yên Bình kiến nghị Trung tâm Thông tin du lịch (Tổng cục Du lịch) hỗ trợ, định hướng cho huyện lộ trình tổng thể, và những bước đi cụ thể triển khai thực hiện hoạt động chuyển đổi số du lịch. Trong đó, triển khai các ứng dụng, hệ thống quản lý nhà nước về du lịch như hệ thống cơ sở dữ liệu du lịch, hệ thống thông tin điều hành du lịch, hệ thống báo cáo thống kê du lịch… Thực hiện số hóa các thông tin dữ liệu phục vụ quản lý các cơ sở lưu trú, các hãng lữ hành, hướng dẫn viên, điểm đến, các cơ sở dịch vụ du lịch; cơ sở dữ liệu phục vụ nghiên cứu thị trường, xúc tiến, quảng bá du lịch…

Phó Giám đốc điều hành Trung tâm Thông tin du lịch (Tổng cục Du lịch) Hoàng Quốc Hòa giới thiệu về hệ sinh thái du lịch thông minh của Tổng cục Du lịch. Ảnh: TITC

Đánh giá cao những kết quả hoạt động của ngành du lịch tỉnh Yên Bái, huyện Yên Bình và thị xã Nghĩa Lộ, Phó Giám đốc điều hành Trung tâm Thông tin du lịch (Tổng cục Du lịch) Hoàng Quốc Hòa khẳng định, vấn đề quan trọng đầu tiên trong triển khai hoạt động chuyển đổi số là nâng cao nhận thức của địa phương, của người dân. Tỉnh Yên Bái đã có nhận thức rất rõ ràng về tầm quan trọng thúc đẩy chuyển đổi số. Vấn đề tới đây là cần lựa chọn cách làm sao cho thực sự bài bản, có hiệu quả.

Giới thiệu về hệ sinh thái chuyển đổi số của Tổng cục Du lịch, Phó Giám đốc Hoàng Quốc Hòa cho biết, thời gian qua Trung tâm đã tập trung xây dựng các nền tảng số du lịch cốt lõi ở tầm quốc gia, gồm có: Hệ thống Cơ sở dữ liệu Du lịch Việt Nam tích hợp các dữ liệu quan trọng của ngành du lịch; Hệ thống báo cáo thống kê du lịch từ Trung ương đến cơ sở; nền tảng số quốc gia “Quản trị và Kinh doanh du lịch” được Bộ Thông tin và Truyền thông xác định là 1 trong 35 nền tảng số quốc gia cần ưu tiên phát triển; Thẻ Việt – Thẻ du lịch quốc gia hỗ trợ giao dịch, thanh toán nhanh chóng và tiện lợi; ứng dụng du lịch quốc gia “Du lịch Việt Nam – Vietnam Travel” hỗ trợ toàn diện cho khách du lịch trong nước và quốc tế; hệ thống vé điện tử; hệ thống thuyết minh đa phương tiện (Multi-media guide)…

Cùng với đó là các website du lịch quốc gia của Tổng cục Du lịch, trong đó, website https://vietnamtourism.gov.vn hỗ trợ công tác quản lý nhà nước, website https://vietnam.travel quảng bá du lịch Việt Nam ra quốc tế; cùng với các trang mạng xã hội như Facebook, Zalo, Viber, YouTube, Instagram…

Ông Hoàng Quốc Hòa đề nghị ngành du lịch tỉnh Yên Bái tới đây cần khẩn trương triển khai một số nội dung, gồm có: (1) Triển khai áp dụng ứng dụng du lịch Quốc gia “Du lịch Việt Nam – Vietnam Travel”; (2) Triển khai các công cụ và phương tiện hỗ trợ khách du lịch, cơ sở kinh doanh du lịch thanh toán không dùng tiền mặt trên hệ thống Thẻ du lịch Quốc gia; (3) Triển khai nền tảng số quốc gia “Quản trị và kinh doanh du lịch” để hỗ trợ cơ quan quản lý, cơ sở kinh doanh du lịch.

Bên cạnh đó, quan tâm quảng bá hình ảnh, thương hiệu du lịch của địa phương trên các kênh truyền thông số của Tổng cục Du lịch; triển khai hệ thống vé điện tử, hệ thống thuyết minh đa phương tiện (Multi-media guide) tại các điểm tham quan du lịch, các điểm vui chơi, giải trí trên địa bàn; giới thiệu, quảng bá sản phẩm du lịch tiêu biểu của địa phương trên Trang vàng Du lịch Việt Nam; đẩy mạnh số hóa và tích hợp dữ liệu vào hệ thống cơ sở dữ liệu của Tổng cục Du lịch theo nội dung văn bản số 1818 ngày 4/11/2022 của Tổng cục Du lịch.

Trung tâm Thông tin du lịch sẽ hỗ trợ tỉnh Yên Bái cũng như 2 địa phương huyện Yên Bình và thị xã Nghĩa Lộ xây dựng kế hoạch chi tiết và triển khai thực hiện. Đồng thời cung cấp các nền tảng/sản phẩm liên quan đến các hạng mục công việc; xây dựng bộ tài liệu hướng dẫn sử dụng chi tiết và đào tạo, tập huấn sử dụng các sản phẩm, các nền tảng số của Tổng cục Du lịch. Hỗ trợ truyền thông, quảng bá du lịch của địa phương trên các kênh truyền thông số của Tổng cục Du lịch.

Tại buổi làm việc, đại diện đơn vị tư vấn giải pháp chuyển đổi số và các doanh nghiệp du lịch, lữ hành cũng đã trao đổi cụ thể về những nhu cầu, mong muốn và những khó khăn, vướng mắc trong quá trình hoạt động, từ đó tư vấn những giải pháp tháo gỡ thông qua công nghệ số. Các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Yên Bái cũng bày tỏ sự vui mừng được tham dự buổi làm việc và đánh giá rất cao hệ sinh thái chuyển đổi số của Tổng cục Du lịch, bày tỏ mong muốn sớm được hướng dẫn để áp dụng các sản phẩm số trong hoạt động thực tiễn của đơn vị.

Đoàn công tác tỉnh Yên Bái. Ảnh: TITC

Nhất trí với hướng triển khai hệ sinh thái chuyển đổi số đồng bộ, thống nhất, ông Nguyễn Duy Khiêm nhấn mạnh đây cũng là chủ trương chung của Chính phủ tập trung xây dựng các nền tảng số quốc gia, tránh phân tán, manh mún, qua đó tạo thuận lợi nhất cho cơ quan quản lý, các doanh nghiệp, khách du lịch, người dân. Tỉnh Yên Bái sẽ triển khai chuyển đổi số theo chủ trương chung. Ông Khiêm cũng đề nghị Trung tâm Thông tin du lịch tạo điều kiện, hỗ trợ tốt nhất cho ngành du lịch tỉnh Yên Bái triển khai nhanh việc áp dụng các giải pháp, sản phẩm chuyển đổi số. Sau khi ký kết biên bản ghi nhớ ngày hôm nay sẽ xây dựng ngay kế hoạch chi tiết để triển khai sớm nhất có thể.

Lễ ký kết Biên bản ghi nhớ về chuyển đổi số trong hoạt động du lịch. Ảnh: TITC

Tại buổi làm việc đã diễn ra Lễ ký kết Biên bản ghi nhớ về chuyển đổi số trong hoạt động du lịch tại huyện Yên Bình, thị xã Nghĩa Lộ tỉnh Yên Bái giai đoạn 2023 – 2025 giữa Trung tâm Thông tin du lịch (Tổng cục Du lịch), Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Yên Bái, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Yên Bái, UBND thị xã Nghĩa Lộ và UBND huyện Yên Bình.

Trung tâm Thông tin du lịch